Kinh tế toàn cầu có nguy cơ bị đình trệ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo Bloomberg, kinh tế thế giới đang có những dấu hiệu chậm lại khi đà phục hồi hậu Covid-19 của Trung Quốc yếu dần và lĩnh vực công nghiệp đang gặp khó khăn của Đức có nguy cơ kéo cường quốc châu Âu rơi vào suy thoái.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Những dữ liệu mới nhất cho thấy kỳ vọng lạc quan về nền kinh tế toàn cầu không diễn ra như mong đợi. Quá trình phục hồi hậu Covid-19 của Trung Quốc diễn ra chậm chạp và một mùa đông ôn hòa ở châu Âu không đủ để "hồi sinh" ngành công nghiệp của Đức.

"Sự lạc quan về tăng trưởng từ đầu năm rõ ràng đã nhường chỗ cho cảm giác thực tế hơn. Hoặc đơn giản là sự thất vọng. Trung Quốc và châu Âu đang mất đà và với mọi thứ đang diễn ra ở Mỹ, nửa cuối năm nay có vẻ không khá hơn chút nào", Carsten Brzeski - Trưởng bộ phận vĩ mô toàn cầu tại ING nhận xét.

Dữ liệu của Trung Quốc công bố hôm 16/5 chỉ ra, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và đầu tư cố định tăng với tốc độ chậm hơn nhiều so với dự kiến trong tháng 4. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cũng tăng lên mức cao kỷ lục 20,4%.

Hao Hong, nhà kinh tế trưởng tại Grow Investment Group cho biết, các số liệu xác nhận rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại không nâng cao nhu cầu toàn cầu như nhiều người đã dự đoán. Sự yếu kém đang diễn ra trong lĩnh vực bất động sản và trong đơn đặt hàng của các nhà xuất khẩu Trung Quốc.

Tại Đức, niềm tin của các nhà đầu tư tiếp tục suy giảm trong tháng thứ ba liên tiếp, làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế. Thước đo kỳ vọng của Viện ZEW đã giảm xuống mức âm 10,7 vào tháng 5 từ mức 4,1 vào tháng 4 - đánh dấu lần dưới mức 0 đầu tiên của năm 2023. Ngay cả trước đó, sản lượng công nghiệp giảm mạnh bất ngờ đã làm dấy lên lo ngại rằng nền kinh tế hàng đầu của châu Âu có thể đã rơi vào một mùa đông sụt giảm.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã cắt giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu, với mức tăng 2,8% trong 2023 và 3% vào năm 2024. Hôm 16/5, IMF cảnh báo rằng, chính sách tiền tệ thắt chặt và việc điều chỉnh giá năng lượng cao hơn đang đè nặng lên nước Đức. IMF dự kiến, ​​tăng trưởng kinh tế Đức "sẽ duy trì ở mức gần bằng 0 vào năm 2023".

Tại Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, dù dữ liệu doanh số bán lẻ tháng 4 cho thấy chi tiêu của người tiêu dùng đang tăng lên, song "những cơn gió ngược" đang hình thành. Sự đổ vỡ của một số ngân hàng khu vực đang khiến việc tiếp cận tín dụng trở nên khó khăn hơn đối với các doanh nghiệp nhỏ và hộ gia đình.

Theo Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, nếu nền kinh tế thế giới đi xuống, các ngân hàng trung ương có thể đưa ra một số biện pháp cứu trợ. Hầu hết các cơ quan quản lý tiền tệ đang ở gần cuối chu kỳ thắt chặt trong bối cảnh có dấu hiệu lạm phát đã lên đến đỉnh điểm, trong khi thị trường lao động và tài chính hộ gia đình vững mạnh cũng sẽ giúp tạo ra một mức sàn cho tăng trưởng.

"Đây sẽ là một năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu. Nhưng với một số hoạch định chính sách hợp lý tốt của các ngân hàng trung ương, kinh tế sẽ vượt qua suy thoái", ông Mark Zandi nhận xét.

Trong khi đó, giới đầu tư đã lo lắng về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo khảo sát mới nhất của Bank of America, tâm lý của các nhà quản lý quỹ thể hiện xu hướng bi quan nhất trong năm nay.

Các nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng sự chậm lại của tăng trưởng sẽ buộc các ngân hàng trung ương, bao gồm cả Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải hạ lãi suất vào cuối năm nay. Các thị trường kỳ vọng, Fed sẽ cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 12.

Janet Mui, người đứng đầu bộ phận phân tích thị trường tại Brewin Dolphin cho biết, có thể sẽ có nhiều tin tức kinh tế ảm đạm hơn, với những cảnh báo từ các nhà sản xuất chỉ ra những áp lực vẫn đang gia tăng. "Các công ty cho biết đơn đặt hàng đang chậm lại. Lượng đơn hàng xuất khẩu giảm tốc của Trung Quốc nói lên rất nhiều điều về nhu cầu toàn cầu", bà Janet Mui nhận định.

Chuyên đề