Kiểm soát tính hợp pháp của gỗ trong đấu thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để kiểm soát tính hợp pháp của gỗ trong đấu thầu, khi lập hồ sơ mời thầu (HSMT) mua sản phẩm này, bên mời thầu phải quy định về tính hợp pháp của gỗ theo pháp luật về lâm nghiệp.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhấn mạnh nội dung này trong văn bản vừa gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về giải pháp kiểm soát tính hợp pháp của gỗ trong đấu thầu nhằm thực thi Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT). Hiệp định được ký kết năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/6/2019.

Theo đó, Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ NN&PTNT căn cứ vào Khoản 12 Điều 129 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP để hướng dẫn chi tiết nội dung mua sắm sản phẩm gỗ nhằm thực thi Hiệp định hoặc ban hành văn bản đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị liên quan tuân thủ quy định về tính hợp pháp của gỗ theo Thông tư số 27/2018/TT-BNNPTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản (TT27) khi đấu thầu mua sắm sản phẩm gỗ.

Ngày 8/5 vừa qua, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi Bộ KH&ĐT về giải pháp kiểm soát tính hợp pháp của gỗ trong đấu thầu. Bộ NN&PTNT nêu rõ, hiện quy định về hồ sơ kiểm soát tính hợp pháp gỗ và sản phẩm gỗ trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ nguồn gốc đầu vào đến khâu lưu thông, chế biến, mua bán tới tiêu dùng nội địa và xuất khẩu được quy định đầy đủ trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp theo TT27. Tuy nhiên, tính hợp pháp về mua sắm gỗ và sản phẩm gỗ chưa được quy định cụ thể trong đấu thầu. Cụ thể, pháp luật hiện hành về đấu thầu chỉ quy định về tính hợp pháp của hàng hóa trong mua sắm nói chung, nhưng chưa quy định cụ thể riêng cho từng loại mặt hàng (quy định tại Bảng dữ liệu mời thầu, Thông tư số 05/2015/TT-BKHĐT của Bộ KH&ĐT quy định chi tiết lập HSMT mua sắm hàng hóa (TT05)).

Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT đề xuất giải pháp kiểm soát tính hợp pháp trong đấu thầu mua sắm đối với sản phẩm gỗ bằng việc sửa đổi TT05 theo hướng dẫn chiếu tới quy định tính hợp pháp của gỗ theo các quy định pháp luật hiện hành, đó là TT27 và Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam sau khi có hiệu lực.

Song, phúc đáp về đề xuất này, Bộ KH&ĐT nhấn mạnh, mẫu HSMT hàng hóa ban hành kèm TT05 có quy định về tính hợp lệ của hàng hóa. Đó là tất cả hàng hóa và dịch vụ liên quan được coi là hợp lệ nếu có xuất xứ rõ ràng, hợp pháp. Để chứng minh tính hợp lệ của hàng hóa, nhà thầu cần nêu rõ xuất xứ của hàng hóa, ký mã hiệu, nhãn mác theo quy định tại Bảng dữ liệu mời thầu. Theo đó, khi lập HSMT mua sắm sản phẩm gỗ, bên mời thầu phải quy định về tính hợp pháp của sản phẩm gỗ theo quy định của Luật Lâm nghiệp để đảm bảo đồ gỗ được mua sắm là hợp pháp. Bộ KH&ĐT nêu rõ: Do TT05 quy định về HSMT áp dụng cho tất cả các loại hàng hóa nên việc hướng dẫn riêng cho một mặt hàng cụ thể là không phù hợp và không khả thi.

Bộ NN&PTNT cho biết, VPA/FLEGT được ký kết năm 2018 và có hiệu lực từ ngày 1/6/2019. Để thực thi Hiệp định, Việt Nam cần xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam đáp ứng các quy định đã được cam kết. Đến nay, Dự thảo Nghị định quy định Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam để thực thi Điều 69 Luật Lâm nghiệp và Hiệp định VPA/FLEGT đã được Bộ NN&PTNT hoàn thiện theo ý kiến của các thành viên Chính phủ và trình Chính phủ xem xét ban hành.

Làm rõ hiện trạng cơ chế kiểm soát gỗ hợp pháp trong quy trình đấu thầu, thực tiễn mua sắm sản phẩm gỗ của các đơn vị sử dụng vốn nhà nước và gợi ý giải pháp để Chính phủ thực hiện hiệu quả cam kết tại VPA/FLEGT, một nghiên cứu gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ ra, hiện còn nhiều rủi ro về nguồn gốc gỗ trong các gói thầu mua sắm sử dụng vốn nhà nước. Cụ thể, thông qua rà soát 13.000 HSMT/hồ sơ yêu cầu (HSYC) sản phẩm gỗ từ năm 2016 - 2018 trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó lọc ra 100 bộ HSYC sản phẩm gỗ chào hàng cạnh tranh, Nhóm nghiên cứu phát hiện, có tới 80% HSYC chưa quy định nhà thầu phải chứng minh tính hợp pháp của các sản phẩm gỗ. Đại diện Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, nếu để tiếp diễn tình trạng đấu thầu cung ứng đồ gỗ mà không có ràng buộc về tính hợp pháp của nguồn gốc gỗ thì sẽ vi phạm những nội dung mà Việt Nam đã ký cam kết với EU.

Chuyên đề