Kiểm soát chặt tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với các giải pháp điều hành tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm xuống mức thấp kỷ lục, tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dòng vốn tín dụng cần tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ảnh: Nhã Chi
Dòng vốn tín dụng cần tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ảnh: Nhã Chi

Tuy nhiên, việc kéo mặt bằng lãi suất xuống thấp mới chỉ thành công một nửa, vấn đề đặt ra hiện nay là việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đề ra đi kèm với các giải pháp nắn dòng vốn chảy vào các lĩnh vực nền tảng tạo nên tăng trưởng tích cực, tránh rủi ro cho nền kinh tế.

Kết thúc tháng 2/2024, thị trường chứng khoán ghi nhận đà hồi phục rõ nét với chỉ số VN-Index tăng điểm tháng thứ 4 liên tiếp. Bên cạnh kỳ vọng tích cực về triển vọng của nền kinh tế, giới phân tích cho rằng, đà tăng điểm của thị trường chứng khoán còn có sự hỗ trợ từ nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), 2 tháng đầu năm 2024, thị trường bất động sản cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng tiếp tục xu thế phục hồi, tăng trưởng vững chắc hơn, là lĩnh vực đứng đầu trong thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài. “Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu bất động sản cùng với cổ phiếu tài chính, ngân hàng đang dẫn dắt thị trường. Với đà phục hồi này, có thể kỳ vọng thị trường bất động sản sẽ trở lại hoạt động bình thường và bước vào chu kỳ phát triển mới kể từ nửa cuối năm 2024”, ông Châu nhận định.

Trong khi đó, các lĩnh vực khác của nền kinh tế vẫn chưa hồi phục rõ nét. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 2/2024 ước tính giảm 18% so với tháng trước và giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,9%).

Theo S&P Global, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 50,4 điểm trong tháng 2, tăng nhẹ so với 50,3 điểm của tháng 1 và nằm trên ngưỡng 50 điểm tháng thứ hai liên tiếp. Mức độ cải thiện sức khỏe ngành sản xuất thể hiện thông qua chỉ số không đáng kể. Trong tháng 2, sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều tăng, giúp việc làm tăng trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tiếp tục giảm hoạt động mua hàng, thay vào đó dùng hàng tồn kho để phục vụ sản xuất và đáp ứng các đơn hàng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong 2 tháng đầu năm, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục có chuyển biến nhưng vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm do các thị trường xuất khẩu lớn, chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu và khu vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Tính chung 2 tháng, có gần 63 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,5% so với cùng kỳ 2023.

Trên thị trường tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 1/2024, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm lần lượt khoảng 0,15%/năm và 0,25%/năm so với cuối năm 2023. Hiện lãi suất cho vay của nhiều ngân hàng khoảng 7%/năm, lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ còn khoảng 6,5%/năm, lãi suất cho vay trung và dài hạn khoảng 8%/năm, giảm đáng kể so với thời điểm giữa và cuối năm 2023.

Tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 5/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, ngành ngân hàng có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng, lãi suất năm 2024 hiệu quả, khả thi, kịp thời hơn nữa, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành ngân hàng tăng cường thanh tra, giám sát chặt chẽ việc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng, bảo đảm dòng vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng của nền kinh tế (tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư), phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, thực hiện các công cụ kiểm soát lạm phát và giảm thiểu, hạn chế gia tăng nợ xấu đối với các tổ chức tín dụng.

TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, lãi suất thấp sẽ khuyến khích dòng tiền đầu cơ vào lĩnh vực có khả năng sinh lợi cao nhưng rủi ro cũng cao là bất động sản và chứng khoán. Do đó, bên cạnh việc thúc đẩy giải ngân vốn tín dụng, các ngân hàng rất cần thận trọng trong cho vay với các dự án hoặc lĩnh vực rủi ro nhằm tránh hệ lụy cho chính ngân hàng và nền kinh tế.

“Ở thời điểm này, việc thúc đẩy tín dụng để hỗ trợ sự hồi phục của lĩnh vực bất động sản là cần thiết bởi đây là ngành kinh tế có tính lan tỏa. Tuy nhiên, cần chú trọng đưa vốn tín dụng vào các phân khúc bất động sản phục vụ nhu cầu thực thay vì các phân khúc có tính đầu cơ. Nếu đẩy mạnh tín dụng mà thiếu kiểm soát thì cơn sốt đất có thể quay trở lại, tạo ra bong bóng tài sản, gây áp lực với nền kinh tế và gây khó cho dòng vốn đổ vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh”, ông Huân nhấn mạnh.

Đối với lĩnh vực chứng khoán, ông Huân cho rằng: “Đà tăng điểm mạnh mẽ của thị trường trong những ngày vừa qua gây hoài nghi về dòng tiền đổ vào thị trường. Cần theo dõi để có các giải pháp kiểm soát phù hợp. Trong đó, cần tiếp tục giám sát việc công ty chứng khoán lách luật huy động vốn của nhà đầu tư như đã được cơ quan chức năng “tuýt còi” cuối năm ngoái”.

Từ góc độ khác, TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, môi trường lãi suất thấp sẽ tạo điều kiện tiếp cận vốn thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, nếu dòng vốn này đổ vào những kênh đầu cơ vừa gây rủi ro cho hệ thống ngân hàng, vừa thu hẹp nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp kinh doanh tích cực. Do đó, cần tăng cường giám sát hoạt động cho vay để tránh tình trạng vốn tín dụng “luồn lách” để đi vào các kênh rủi ro.

Chuyên đề