Không “úp - mở” trong giải quyết các vụ tham nhũng

(BĐT) - Toàn ngành thanh tra phải công khai, minh bạch, không “úp - mở” trong giải quyết các vụ việc để giảm thiểu “điểm nóng” trong dư luận, đẩy lùi tình trạng xử lý hình thức các vụ việc, góp phần tích cực vào công tác phòng chống tham nhũng. Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã yêu cầu như vậy đối với ngành thanh tra.
6 tháng đầu năm 2019, thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 3.512 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 639 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Hằng
6 tháng đầu năm 2019, thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 3.512 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 639 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Hằng

Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2019 của ngành thanh tra diễn ra ngày 18/7/2019 tại Hà Nội, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) cho biết, trong 6 tháng đầu năm, TTCP đã thực hiện 41 cuộc thanh tra hành chính, ban hành 6 kết luận thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 14.601 tỷ đồng, trong đó đã kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 10.166 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý 10 vụ.

Ngoài ra, thanh tra các bộ, ngành và địa phương đã tiến hành 3.512 cuộc thanh tra, phát hiện vi phạm về kinh tế 639 tỷ đồng, 1.004 ha đất, kiến nghị thu hồi 455 tỷ đồng và 142 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 686 tập thể và nhiều cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xem xét 34 vụ, 73 đối tượng.

Về thanh tra chuyên ngành, nửa đầu năm 2019, toàn ngành thanh tra đã phát hiện 65.367 tổ chức, cá nhân vi phạm với số tiền 35.099 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 23.879 tỷ đồng; ban hành 54.144 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 1.587 tỷ đồng.

Theo Tổng TTCP Lê Minh Khái, bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động của ngành thanh tra vẫn còn một số hạn chế, tồn tại, bất cập cần phải khắc phục trong thời gian tới như: chậm ban hành kết luận thanh tra; chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán; kết quả xử lý sai phạm về đất đai còn thấp; một số công chức, viên chức thanh tra không chấp hành nghiêm nội quy, quy định của ngành, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành…

Ông Lê Minh Khái cũng lưu ý thanh tra bộ, ngành, địa phương trong quá trình thanh tra cần lưu ý những dấu hiệu bất thường trong thực thi nhiệm vụ; đổi mới phương pháp thanh tra; bám sát chỉ đạo của Chính phủ; xử lý nhanh các vấn đề, không để người dân khiếu kiện kéo dài…

Đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành tranh tra trong 6 tháng đầu năm như công tác phát hiện vụ án tham nhũng, một số vụ việc trọng điểm được quan tâm xử lý, tạo niềm tin cho người dân…, tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu ngành thanh tra cần khắc phục những hạn chế, tồn tại lâu nay. Đó là, chậm tiến hành các cuộc thanh tra so với kế hoạch, công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra chưa thường xuyên, xử lý sau tranh tra còn hạn chế, thu hồi tài sản vi phạm còn thấp; tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, hiệu quả tiếp dân chưa cao, nhiều vụ việc giải quyết chậm, kéo dài, khi giải quyết còn sai sót; các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được phát huy toàn diện, một số biện pháp hiệu quả thấp; số vụ tham nhũng bị phát hiện còn ít, tình trạng tham nhũng vặt, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc chưa được ngăn chặn…

Đặc biệt, Phó Thủ tướng chỉ đạo ngành phải thực hiện tốt chức năng phòng chống tham nhũng, thanh tra có trọng tâm, trọng điểm; không né tránh trách nhiệm trong quá trình giải quyết, xử lý vụ việc; cần phải công khai, minh bạch kết quả giải quyết các vụ việc và tạo điều kiện để báo chí giám sát một cách rõ ràng. Người đứng đầu phải nêu gương, trong sạch và có trách nhiệm đối với việc tiếp công dân, xử lý các vụ việc nổi cộm; đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng theo hướng thực chất, trong đó cần tập trung thanh tra các lĩnh vực nhạy cảm dễ phát sinh tiêu cực.

Chuyên đề