Khó khăn bủa vây doanh nghiệp ngành thép

(BĐT) - Dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều khó khăn cho kinh tế toàn cầu. Dịch bệnh cũng khiến xu thế giá thép trên thị trường thế giới và Trung Quốc giảm sâu, trong khi đó, giá một số nguyên liệu sản xuất thép lại có xu hướng tăng do hạn chế của nguồn cung… Những khó khăn này đang khiến Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) dự báo ngành thép sẽ không có tăng trưởng trong năm 2020.
Ước tính sơ bộ, trong quý I, tình hình sản xuất và bán hàng của doanh nghiệp thép giảm trên 20% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Ước tính sơ bộ, trong quý I, tình hình sản xuất và bán hàng của doanh nghiệp thép giảm trên 20% so với cùng kỳ năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Theo ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam, ước sơ bộ, trong quý I, sản lượng tiêu thụ thép giảm mạnh so với cùng kỳ, trong đó, sản xuất phôi thép giảm 11%; sản xuất và tiêu thụ thép thành phẩm giảm 27%... Doanh thu quý I ước tính đạt 17.000 tỷ đồng.

Đến thời điểm này, Công ty CP Thương mại Thái Hưng chưa công bố kết quả sản xuất kinh doanh quý I/2020. Tuy nhiên, chia sẻ với Báo Đấu thầu ngày 6/4, ông Lê Thành Thực, Phó Tổng giám đốc Công ty cho biết, dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN). “Dự kiến, doanh thu và doanh số của DN trong quý I giảm 20 - 25% so với cùng kỳ năm trước”, ông Thực ước tính và nhấn mạnh, dịch bệnh kéo dài sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh trong quý II/2020.

Chia sẻ với báo giới, Công ty CP Ðại Thiên Lộc cho biết, doanh thu quý I/2020 ước đạt hơn 300 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các chi phí không đổi, dẫn đến thua lỗ. Công ty ước lỗ 4 - 5 tỷ đồng trong 1 tháng, mức lỗ trong quý 1 ước tính hơn 12 tỷ đồng.

Trong thông cáo phát đi sáng ngày 6/4, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cho thấy một số thông tin tích cực. Theo đó, trong tháng 3/2020, sản lượng thép xây dựng Hòa Phát đạt 351.000 tấn, tăng 42,2% so với tháng 3/2019. Sản lượng xuất khẩu cũng đạt mức cao với gần 68.000 tấn thép thành phẩm, chưa kể Tập đoàn còn xuất 135.000 tấn phôi thép đi các quốc gia khác. Lũy kế trong quý I/2020, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường trên 732.000 tấn (chưa bao gồm sản lượng phôi thép), nhưng cũng chỉ tăng trưởng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Trước đó, VSA đã có báo cáo đánh giá tác động của dịch Covid-19 đến ngành thép Việt Nam. VSA ghi nhận, 2 tháng đầu năm nay, tình hình sản xuất và bán hàng tiếp tục giảm từ 30 - 35% so với cùng kỳ năm 2019. “Ước tính sơ bộ, trong quý I, tình hình sản xuất và bán hàng của DN thép giảm trên 20% so với cùng kỳ”, VSA cho biết. Với tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, từ tháng 4/2020, nhiều thị trường nhập khẩu thép của Việt Nam áp dụng một số biện pháp siết mạnh thông quan hàng hóa để phòng chống Covid-19, giới chuyên gia nhận định, hoạt động xuất khẩu của DN thép Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ. “Hiện VSA đang cân nhắc dự báo ngành thép không có tăng trưởng trong năm 2020”, lãnh đạo VSA thông tin.

Để bảo đảm sản xuất, cung ứng hàng hóa được thông suốt, liên tục trong điều kiện dịch Covid-19, các DN ngành thép đã thực thi nhiều giải pháp để thích ứng và duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông Lê Thành Thực, lường trước khó khăn do dịch bệnh gây ra, ngay từ đầu năm 2020, Thái Hưng đã có tính toán thay đổi cơ cấu thị trường để giảm thiểu rủi ro cho DN. “Theo kế hoạch các năm thì 40 - 45% thị trường tiêu thụ thép của DN là các dự án công trình lớn, còn lại là các công trình dân dụng. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, năm 2020, chúng tôi cơ cấu lại thị trường tiêu thụ, trong đó thị trường dân dụng chiếm tới 65 - 70%...”, ông Thực cho biết. Đối với Thép Hòa Phát, DN này đã và đang ứng dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ trong điều tiết sản xuất, bán hàng, đồng thời thực hiện nghiêm nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế.

Để giảm bớt khó khăn, một số DN thép thực hiện các biện pháp cắt giảm chi phí, giãn việc… Tuy nhiên, theo một số DN thép, từ tháng 4/2020, Chính phủ áp dụng biện pháp cách ly xã hội, nhiều địa phương chưa hiểu đúng đã có biện pháp “làm quá” khiến việc lưu thông hàng hóa của DN cũng khó khăn.

Bên cạnh đó, DN ngành thép đang khá sốt ruột đối với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. “Đến nay, chưa một DN thép nào được giãn và kéo dài thời gian các khoản nợ vay sắp đến hạn thanh toán để giảm bớt khó khăn”, VSA cho biết và nhấn mạnh yêu cầu sớm thực thi các chính sách hỗ trợ DN vượt lên khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cũng như thúc đẩy đầu tư công để kích thích tăng trưởng.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư