Khai “mỏ vàng” nguồn nhân lực

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giữa năm 2023, Việt Nam chạm mốc 100 triệu dân. Đây vừa là dấu mốc mang đến nhiều lợi thế, cơ hội bứt phá cho đất nước, vừa là thách thức trong việc tận dụng thời kỳ “dân số vàng” ngắn ngủi để phát triển. Trao đổi với Báo Đấu thầu, PGS. TS. Lưu Bích Ngọc, Chánh Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đã chia sẻ một số định hướng đào tạo nguồn nhân lực, phát huy sức mạnh tri thức cho phát triển đất nước.
Việt Nam hiện có trên 18 triệu người trong độ tuổi thanh niên (15 - 24 tuổi), cần được đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước. Ảnh: Nhã Chi
Việt Nam hiện có trên 18 triệu người trong độ tuổi thanh niên (15 - 24 tuổi), cần được đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển đất nước. Ảnh: Nhã Chi

Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Quy mô tăng dân số trung bình hàng năm tương đối ổn định, khoảng gần 1 triệu người. Với lợi thế quy mô dân số như vậy, chất lượng nguồn lao động Việt Nam được đánh giá ra sao, thưa bà?

Từ 2 thập kỷ nay, Việt Nam đã bước vào thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” và dự kiến sẽ kết thúc vào năm 2037. Đây là thời kỳ đất nước có dư lợi dân số lớn nhất! Dư lợi dân số là một thuật ngữ để chỉ giai đoạn phát triển dân số mà trong giai đoạn đó, lực lượng lao động (15 - 64 tuổi) tăng dần và đạt đỉnh cao nhất trong lịch sử phát triển dân số quốc gia.

PGS. TS. Lưu Bích Ngọc

PGS. TS. Lưu Bích Ngọc

Với lực lượng lao động tiến dần tới con số gần 70 triệu, xét dưới góc độ năng lực cạnh tranh quốc gia, Việt Nam có lực lượng lao động lớn, giá thành nhân công rẻ. Tuy nhiên, giá nhân công rẻ là vì chất lượng nguồn lao động chưa cao. Đến hết tháng 6/2023, mới có 28% lực lượng lao động được qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp. Nhân lực chất lượng cao (trình độ đại học trở lên) chỉ chiếm 10% tổng dân số (khoảng 10 triệu người/100 triệu dân). Năng suất lao động vẫn thua kém nhiều lần, thậm chí vài chục lần so với các quốc gia khác trong khu vực. Đặc biệt, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang ảnh hưởng, lan toả trên toàn cầu, chất lượng nguồn nhân lực (NNL) Việt Nam lại càng “tụt hạng”. Điều này thể hiện ở chỉ số Vốn nhân lực - HCI của Việt Nam trong 10 năm từ 2010-2020 chỉ tăng từ 0,66 lên 0,69. Tốc độ tăng chỉ số Phát triển con người - HDI của Việt Nam giai đoạn 1990-2018 liên tục giảm dần (1990-2000: 1,99%/năm, 2000-2010: 1,23%/năm, 2010-2018: 0,74%/năm), và bình quân đạt 1,36%/năm, thấp hơn của một số nước trong khu vực cùng thời kỳ như: Lào (1,49%/năm), Campuchia (1,49%/năm), Myanmar (1,85%/năm), Trung Quốc (1,48%/năm). Trong khu vực ASEAN, năm 1995, HDI của Việt Nam đứng thứ 7/10, năm 2000 và 2003 xếp thứ 6/10, từ năm 2005 đến năm 2018 lại tụt xuống thứ 7/11 (chỉ xếp trên Lào, Campuchia, Myanmar và Đông Timor). Giai đoạn 2016-2020, xếp hạng chỉ số HDI của Việt Nam luôn “dậm chân tại chỗ” với thứ hạng ở khoảng 116-118/189 quốc gia. Nếu không nâng cao chất lượng NNL và không nâng cao trình độ, kỹ năng của lực lượng lao động, thì con số gần 70 triệu lao động lẽ ra là vốn quý, lại trở thành gánh nặng cho phát triển đất nước.

Theo thống kê, nước ta hiện có trên 18 triệu người trong độ tuổi thanh niên (15 - 24 tuổi). Để tận dụng, phát huy NNL này phụ thuộc nhiều vào chính sách, trong đó có giáo dục và đào tạo. Liên quan đến việc đào tạo NNL trẻ, xin bà cho biết một số quan điểm nổi bật trong hệ thống chính sách pháp luật Việt Nam?

Từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX năm 2001, Đảng đã xác định phát triển NNL là 1 trong 3 đột phá chiến lược của quốc gia. Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, phát triển NNL, đặc biệt là NNL chất lượng cao trở thành đột phá thứ 2 trong 3 đột phá quan trọng. Tháng 11/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế. Theo đó, quan điểm chủ đạo và nổi bật trong chính sách giáo dục vào đào tạo hiện nay của Việt Nam là đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hướng tới mục tiêu: Phát triển toàn diện con người Việt Nam, tạo nên NNL có chất lượng phục vụ cho sự phát triển đất nước.

Xin bà chia sẻ cụ thể hơn những giải pháp góp phần đào tạo NNL trẻ sắp tới?

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sẽ tham mưu cho Chính phủ tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Đó là đổi mới căn bản về nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục, phương thức giáo dục; chuyển mục tiêu giáo dục từ truyền thụ kiến thức sang hình thành năng lực và phẩm chất cho người học (khái niệm ở đây bao hàm: kiến thức, thái độ và kỹ năng); tăng cường cơ hội tiếp cận GD&ĐT cho người học bằng việc xây dựng một hệ thống GD&ĐT mở; nâng cao chất lượng GD&ĐT, thực hiện công bằng, bình đẳng và hoà nhập cho mọi nhóm dân số trong xã hội (đây chính là nội hàm của thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, phát triển bao trùm, không bỏ ai lại phía sau).

Liên quan phát triển NNL chất lượng cao, nâng cao chất lượng giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp đã được xác định là một chủ trương ưu tiên và giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp cũng được chỉ đạo cần đổi mới mạnh mẽ. Nghị quyết của Chính phủ về thực hiện tự chủ đại học đã được ban hành từ 10 năm trước (Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014) để “giải phóng” nội lực, tiềm lực của giáo dục đại học Việt Nam khi được thực hiện tự chủ về tài chính, tự chủ về nhân sự và cao nhất là tự chủ về học thuật. Bức tranh của giáo dục đại học Việt Nam đã thay đổi rất nhiều sau khi cơ chế tự chủ được hình thành. Với giáo dục nghề nghiệp, Chỉ thị tăng cường giáo dục nghề nghiệp của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cũng vừa được ban hành (Chỉ thị 21/CT-TW năm 2023).

Hiện nay, các chương trình đào tạo đã thực hiện tiếp cận chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng, năng lực theo VQF; đẩy mạnh chuyển đổi số trong đào tạo; hợp tác doanh nghiệp và nhà trường; phát động phong trào thanh niên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo…

Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn

Việt Nam cần có nguồn nhân lực chất lượng để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư công nghiệp bán dẫn

Môi trường hội nhập mang lại cơ hội học hỏi, tiếp cận với nguồn lao động quốc tế nhưng cũng khiến cạnh tranh trên thị trường nhân lực ngày càng khốc liệt. Việt Nam phải làm gì để tiệm cận chuẩn chất lượng lao động quốc tế, thưa bà?

Việt Nam đã ký kết Hiệp định về dịch chuyển thể nhân với các quốc gia trong khối ASEAN từ năm 2012 với mục tiêu dỡ bỏ đáng kể các rào cản đối với việc di chuyển tạm thời qua biên giới của các thể nhân tham gia vào thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư giữa các nước ASEAN và đặc biệt là tham gia vào thị trường lao động (8 nhóm lao động Việt Nam được công nhận văn bằng, chứng chỉ nghề nghiệp giữa các quốc gia và có thể tới các quốc gia ASEAN để làm việc). Vì vậy, bên cạnh Khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF), Việt Nam đang triển khai thực hiện Khung tham chiếu trình độ các quốc gia ASEAN - AQRF để các chương trình đào tạo của Việt Nam tiến tới các chuẩn khu vực.

Ngoài ra, Việt Nam đã thực hiện chính sách khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo kiểm định chương trình theo chuẩn kiểm định quốc tế, có nghĩa là chương trình đào tạo đạt tới chuẩn đầu ra của đào tạo theo chuẩn quốc tế. Quốc tế hoá giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp được đẩy mạnh thông qua chính sách cho phép thực hiện các chương trình đào tạo liên kết, khuyến khích trao đổi sinh viên giữa các nước, khuyến khích hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học - đổi mới sáng tạo và công bố quốc tế.

Nước ta cũng đã có chính sách thu hút lao động nước ngoài vào Việt Nam ở nhóm lao động chuyên gia và lao động quản lý. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu Chính phủ ban hành các quy định cụ thể để thu hút nhóm lao động này.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 124/NQ-CP, trong đó giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng Đề án phát triển NNL cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, dự kiến đào tạo khoảng 30 - 50 nghìn nhân lực, chuyên gia cho ngành công nghiệp này. Bộ GD&ĐT có kế hoạch như thế nào để nắm bắt cơ hội từ đề án này?

Bộ GD&ĐT được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Đề án Phát triển NNL chất lượng cao phục vụ phát triển các ngành công nghệ cao và đang chuẩn bị đệ trình cuối năm nay để Chính phủ phê duyệt. Công nghiệp bán dẫn là một ngành thuộc nhóm ngành công nghệ cao. Chắc chắn sẽ có những điểm chung kết nối khi xây dựng và thực hiện các đề án tổng thể quốc gia và đề án chuyên ngành. Ngoài ra, các trường đại học khối kỹ thuật sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn lực của Nhà nước từ các đề án để đáp ứng nhu cầu đào tạo NNL. Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện đúng vai trò và chức năng quản lý nhà nước để kiến tạo môi trường thuận lợi cho các cơ sở giáo dục đại học phát triển năng lực đào tạo, đặc biệt trong cơ chế tự chủ đại học.

Trong 3 năm gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dành nhiều nỗ lực kết nối, thu hút giới trí thức Việt trên toàn cầu tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Về phía Bộ GD&ĐT, đâu là giải pháp, chính sách góp sức xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo từ trong nước, thưa bà?

Bộ GD&ĐT đã có chính sách khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học. Bộ đã trực tiếp tham mưu với Chính phủ ban hành Đề án 1665 "Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” và trực tiếp điều hành.

Ngoài ra, Bộ đang xem xét xây dựng chính sách khuyến khích phát triển các trường đại học đổi mới sáng tạo, các trường đại học 4.0; khuyến khích đưa môn học về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo vào chương trình đào tạo đại học ở nhiều chuyên ngành.

Chuyên đề