Hồi hộp mở thầu gạo dự trữ quốc gia

(BĐT) - Thống kê sơ bộ của Báo Đấu thầu cho thấy, có ít nhất 238 gói thầu cung cấp gạo dự trữ nhập kho năm 2020 sẽ đồng loạt được mở thầu vào ngày 12/5/2020. Đứng trước lình xình chưa có hồi kết về việc 24 nhà thầu trúng thầu đợt 1 từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo, những buổi mở thầu này đang thu hút sự chú ý của dư luận. Các chủ đầu tư đã chuẩn bị gì để xử lý dứt điểm những pha “bẻ kèo” của nhà thầu như đợt 1?
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Mở đồng loạt 238 gói thầu gạo

Theo thông báo mời thầu được công bố, vào lúc 9 giờ và 10 giờ sáng ngày 12/5/2020, trên toàn quốc sẽ tiến hành đóng/mở thầu tổng cộng 238 gói thầu thuộc Dự án Cung cấp gạo dự trữ quốc gia (DTQG) nhập kho năm 2020. Theo đó, hàng loạt Cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) khu vực, gồm: Hà Nội, Hà Nam Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phú, Thanh Hóa, Tây Bắc, Hải Hưng, Nghĩa Bình, Hoàng Liên Sơn, Hà Bắc, Đông Bắc, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Đà Nẵng, Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, Bắc Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Cửu Long và TP.HCM sẽ tiến hành các thủ tục đáu thầu trên cơ sở hàng chục kế hoạch lựa chọn nhà thầu (KHLCNT) được phê duyệt để cấp gạo cho các chi cục trực thuộc. Dự toán các gói thầu gạo dự trữ nhập kho năm 2020 lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Được biết, trước đó, Tổng cục DTNN được giao mua 190.000 tấn gạo. Kết quả mở thầu ngày 12/3/2020 có tổng cộng 28 doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo DTQG đợt 1 năm 2020 với số lượng 178.000 tấn. Tuy nhiên, đã có 24 doanh nghiệp từ chối ký hợp đồng, với số gạo trúng thầu là 170.300 tấn; 2 doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp một phần số lượng gạo đã trúng thầu là 1.800 tấn; chỉ có 2 doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp đủ số lượng gạo trúng thầu là 5.900 tấn.

Do đó, phần nhiều số gạo còn thiếu của đợt 1 sẽ mở thầu lại vào ngày 12/5 tới. Đây là một diễn biến khác biệt so với các KHLCNT cung cấp gạo DTQG hàng năm.

Cụ thể, Cục DTNN khu vực Nam Trung Bộ sẽ mở 7 gói thầu có tổng giá dự toán 100,17 tỷ đồng để mua 9.000 tấn gạo nhập kho DTQG năm 2020. Cục DTNN khu vực Nam Tây Nguyên sẽ tổ chức đấu thầu nhiều gói thầu với tổng mức đầu tư 64,638 tỷ đồng.

Cục DTNN khu vực Thanh Hóa sẽ mở đồng thời 15 gói thầu thuộc KHLCNT cung cấp gạo nhập kho DTQG năm 2020. Cục DTNN khu vực Đông Bắc chi 99,6 tỷ đồng với 8 gói thầu mua 9.200 tấn gạo. Cục DTNN khu vực Cửu Long sẽ mở các gói thầu có giá trị gần 50 tỷ đồng để mua 4.500 tấn gạo…

Tìm cách ngăn tình trạng nhà thầu “phá kèo”

Theo thông tin của Báo Đấu thầu, với 24 nhà thầu trúng thầu đợt 1 nhưng từ chối thương thảo ký hợp đồng, ngoài việc bị tịch thu bảo đảm dự thầu, đến nay, các nhà thầu này chưa bị bổ sung thêm hình thức xử phạt nào khác. Điều này đồng nghĩa với việc, trong số 238 gói thầu được đóng/mở thầu vào ngày mai, 24 nhà thầu này vẫn có quyền dự thầu. Đây là điều đáng quan tâm, nếu không có biện pháp mạnh tay xử lý các nhà thầu thiếu hợp tác sau khi trúng thầu, sẽ khiến các nhà thầu nhờn luật, đẩy rủi ro cho các chủ đầu tư. Tuy nhiên, nếu trong bối cảnh cần huy động hàng trăm nghìn tấn gạo dự trữ để nhập kho như hiện nay, việc thiếu hụt 24 nhà thầu này cũng là bài toán khó cho Tổng cục DTNN vì khả năng không có đủ nhà thầu dự thầu là rất cao. Chưa kể, việc đấu thầu gạo dự trữ phụ thuộc nhiều vào vụ thu hoạch lúa gạo, thường vào tháng 2 - 3 hàng năm và phụ thuộc phần lớn vào vùng cung cấp lớn là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Báo Đấu thầu, để “nắm đằng chuôi”, một số chủ đầu tư đã có động thái quyết liệt hơn nhằm tăng trách nhiệm từ phía các nhà thầu. Cụ thể, Cục DTNN khu vực Tây Nam Bộ thông báo bổ sung, sửa đổi nội dung hồ sơ mời thầu cung cấp gạo nhập kho DTQG năm 2020. Tại quy định về điều kiện cụ thể của hợp đồng, chủ đầu tư này đã điều chỉnh giá trị đảm bảo thực hiện hợp đồng đối với gói thầu có giá trên 10 tỷ đồng: giá trị đảm bảo thực hiện hợp đồng bằng 5% giá hợp đồng; đối với gói thầu có giá không quá 10 tỷ đồng, giá trị đảm bảo thực hiện hợp đồng bằng 3% giá trị hợp đồng.

Đồng thời, có quy định ràng buộc thêm: “Trường hợp hết thời hạn giao hàng mà nhà thầu vẫn chưa giao đủ số lượng đã nêu trong hợp đồng và không tiếp tục thực hiện hợp đồng thì nhà thầu bị phạt bằng 5% trên giá trị hàng giao thiếu. Tổng mức phạt tối đa là 5% trên giá trị hàng giao chậm”.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một số chủ đầu tư cho biết, đang cân nhắc việc điều chỉnh giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng như trên để nhà thầu không thể dễ dàng từ chối thực hiện hợp đồng như trước đây.

Báo Đấu thầu tiếp tục phản ánh về đợt mở thầu quy mô lớn này.

Chuyên đề