Hoàn thiện thể chế, khơi thông động lực phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho rằng, củng cố hành lang pháp lý là một phần quan trọng trong nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao nội lực nền kinh tế. Trong đó, việc thiết kế chính sách và văn bản pháp lý cần theo định hướng giảm chi phí tuân thủ và dễ thực thi để tạo thuận lợi doanh nghiệp (DN).
Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi các chính sách và văn bản pháp lý được thiết kế theo định hướng giảm chi phí tuân thủ và dễ thực thi. Ảnh: LTT
Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi khi các chính sách và văn bản pháp lý được thiết kế theo định hướng giảm chi phí tuân thủ và dễ thực thi. Ảnh: LTT
Ông Nguyễn Bá Hùng

Ông Nguyễn Bá Hùng

Xin ông chia sẻ nhận xét của mình về việc xây dựng và ban hành văn bản pháp luật tại Việt Nam thời gian qua?

Có thể thấy rõ là hành lang pháp lý trong tất cả các ngành, lĩnh vực đang ngày càng được hoàn thiện, góp phần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Cách thức làm luật cũng có những bước tiến tích cực, thể hiện rõ nhất là việc lấy ý kiến và tiếp thu ý kiến rộng rãi, quy trình xây dựng có sự tham khảo từ kinh nghiệm quốc tế.

Dù vậy, điểm cần lưu ý là chưa tận dụng và học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm và tính cập nhật, bám sát quy định pháp luật của các nước khác trong xây dựng khuôn khổ pháp lý.

Chẳng hạn, về giao dịch điện tử, ngày 16/5, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt khung quy tắc toàn diện đầu tiên trên thế giới nhằm thắt chặt quản lý ngành công nghiệp tiền điện tử, dự kiến được triển khai từ năm 2024. Trong khi đó, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 không hề đề cập về tiền điện tử, công nghệ chuỗi khối (blockchain) dù cả thế giới đang bàn cách thức xây dựng pháp lý cho các nội dung này.

Để tạo điều kiện cho sự phát triển của DN, hành lang pháp lý cần chuẩn bị cho triển vọng phát triển của ngành/lĩnh vực trong tương lai. Việc này có thể thực hiện bằng cách tham khảo quy định đã được các nước khác xây dựng và ban hành. Khi đó, DN Việt sẽ được hoạt động trong môi trường pháp lý có tính tương đồng với thế giới, sức cạnh tranh tốt hơn nhiều khi ra môi trường quốc tế.

Ở khía cạnh khác, tư duy làm luật vẫn còn “chi tiết hóa”. Thông thường, mỗi bộ (ngành) đảm đương xây dựng một phần nội dung trong văn bản luật và có xu hướng quy định quá chi tiết, trong khi một số nội dung khác lại bị “hổng”, dẫn đến tình trạng pháp lý không đồng bộ, chồng chéo, quá nhiều quy định trong một số trường hợp, làm tăng chi phí tuân thủ của DN.

Theo ông, quá trình xây dựng pháp luật có những điểm nào cần cải thiện?

Việc xây dựng các văn bản hướng dẫn luật như nghị định, thông tư vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, nổi bật là tính “hành chính” trong nội dung điều chỉnh của các văn bản này.

Các cơ quan soạn thảo thường hướng dẫn thực thi theo hướng “quản” hết mọi tình huống, song diễn biến thực tế đặt ra nhiều trường hợp không thể giải quyết được bằng những giả thuyết có sẵn, mà phải vận dụng theo nguyên tắc tại quy định và nguyên tắc của thị trường.

Thêm vào đó, từ lúc luật được bấm nút thông qua đến lúc các văn bản hướng dẫn thực thi được ban hành là một quãng thời gian khá dài. Đối với một số luật, nhiều văn bản hướng dẫn chưa tính trước được tính khả thi. Một số văn bản hướng dẫn luật chưa rõ ràng, lúc thực hiện mới biết vướng ở đâu, dẫn đến tần suất sửa đổi văn bản đôi khi còn cao. Có không ít văn bản phải sửa đổi ngay trong năm đầu tiên thi hành, dẫn đến thiếu tính nhất quán và gây tốn kém chi phí cho DN và người dân.

Để hạn chế tình trạng này, có thể tính đến việc bổ sung cơ chế thí điểm các quy định pháp luật trước khi hoàn thiện khuôn khổ pháp lý chính thức, quá trình này có thể giúp thị trường phát triển nhanh hơn, trong khi cơ quan quản lý nhà nước có trải nghiệm thực tế về những thuận lợi hay vướng mắc trong thực thi để xây dựng chính sách hiệu quả và chất lượng hơn, có tính thực tiễn hơn.

Mặt khác, cần nâng cao chất lượng của công tác phản biện. Trong một số trường hợp, văn bản pháp lý vướng mắc trong thực thi và nhận sự chỉ trích từ DN. Khi đó, nhiều cơ quan xây dựng pháp luật đã hỏi ngược lại là “tại sao lúc xây dựng văn bản, các DN không có ý kiến về nội dung này?”. Đó một phần là do đội ngũ pháp chế của DN chưa đủ mạnh.

Việc thực thi văn bản pháp lý ở các nước có gặp tình trạng lúng túng như ở Việt Nam không, thưa ông?

Nước nào cũng có những khó khăn nhất định trong thực thi pháp luật. Tuy nhiên, điểm bất cập ở hành lang pháp lý của Việt Nam là chi phí tuân thủ quá cao khiến nhiều DN tìm cách “lách luật”.

Với một hành lang pháp lý, sẽ có một số tình huống về tính tuân thủ và chi phí thực thi. Thứ nhất, chi phí tuân thủ hợp lý và có lợi thì nhìn chung DN sẽ tuân thủ. Thứ hai, chi phí tuân thủ cao khiến DN không muốn làm. Thứ ba, chi phí tuân thủ cao nhưng DN vẫn muốn làm thì sẽ tìm cách “lách”. Với tình huống thứ ba, DN luôn ở trong tình trạng “không tuân thủ”, dẫn đến pháp luật không được thực thi hiệu quả và ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội.

Như vậy, chủ trương xây dựng và thực thi pháp luật nên bắt đầu từ việc tăng khả năng tuân thủ, thưa ông?

Về mặt quản lý nhà nước, bảo đảm tuân thủ là yêu cầu và mục tiêu quan trọng nhất để xây dựng một môi trường pháp lý lành mạnh, môi trường kinh doanh hiệu quả. Phương châm xây dựng và thực thi pháp luật tốt hơn, trong đó có cải cách thủ tục hành chính, trước hết là làm thế nào để tăng tính tuân thủ; làm sao cho việc tuân thủ dễ và rẻ. Chẳng hạn, quy định mới về đăng kiểm ô tô đã giảm rất nhiều các thủ tục không cần thiết, như: xe cơ giới chưa qua sử dụng sẽ miễn kiểm định lần đầu; tăng thời gian của chu kỳ kiểm định một số loại xe cơ giới. Nhờ đó, chi phí kiểm định rẻ và thuận tiện, chắc chắn tính tuân thủ sẽ cao hơn.

Bên cạnh việc bỏ các quy định không cần thiết, có thể giảm thời gian thực thi thủ tục hành chính và yêu cầu công chức tuân thủ đúng quy định này thì sẽ góp phần giảm chi phí tuân thủ cho người dân và DN.

Là đối tác tin cậy của Việt Nam, ADB luôn song hành và cùng các đối tác phát triển khác hỗ trợ tích cực cho Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành trong việc xây dựng pháp luật nói chung và tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho DN và người dân nói riêng. ADB cùng các đối tác phát triển khác đã hỗ trợ tích cực cho Việt Nam trong việc xây dựng Luật DN, Luật Ngân sách nhà nước và gần đây là Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)…

Chuyên đề