Hành trình xanh, thông minh, bản sắc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thái Nguyên là địa phương thứ 5 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Ngày 14/7 vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch thực hiện Quy hoạch. Với một bản quy hoạch đột phá, kế hoạch thực hiện bài bản, khoa học, Thái Nguyên đang kiến tạo cơ hội phát triển mới, tiếp tục tiến bước trên hành trình trở thành thành phố xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng, nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng trong tương lai.
Thái Nguyên tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích đất được bố trí lên tới trên 6.200 ha trong thời kỳ 2021 - 2030. Ảnh: Mạnh Hùng
Thái Nguyên tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích đất được bố trí lên tới trên 6.200 ha trong thời kỳ 2021 - 2030. Ảnh: Mạnh Hùng

“Đầu bài” khó cho quy hoạch giai đoạn mới

Thái Nguyên có vị trí địa lý quan trọng, có tầm chiến lược, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng; quỹ đất phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ khá lớn; dân số tăng trưởng nhanh; hạ tầng giao thông thuận lợi trong việc kết nối với các vùng; là một trong những trung tâm công nghiệp, giáo dục, y tế quan trọng của vùng và cả nước.

Bà Nguyễn Thanh Hải - Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên cho biết, Thái Nguyên coi việc lập Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Tỉnh đã tập trung trí tuệ, công sức, tâm huyết của tập thể, nhân dân, đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng quy hoạch tốt nhất.

Về quan điểm chỉ đạo khi lập Quy hoạch, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nêu rõ, một trong những quan điểm xuyên suốt là "Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược". Cùng với đó là phải phù hợp với xu thế phát triển chung của cả nước và thế giới.

Khi Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2050 được báo cáo tại Hội nghị thẩm định ngày 5/7/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - Chủ tịch Hội đồng thẩm định Quy hoạch Tỉnh nhận định, trong nhiệm kỳ vừa qua, Thái Nguyên đã có những thay đổi rất lớn, đã có sự năng động, sáng tạo, nên làm thế nào để tốt hơn là vấn đề khó. Bài toán đặt ra với bản quy hoạch giai đoạn mới, theo Bộ trưởng, là cần nhận diện được các tiềm năng, lợi thế, các yếu tố mới để có thể phát triển trình độ cao hơn.

Đánh giá rất cao bản quy hoạch của Thái Nguyên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Thái Nguyên sẽ có bước phát triển vững chắc khi đã được nhận diện đường đi trong tương lai. Bộ trưởng cho rằng, các tỉnh, thành phố nào sớm lập quy hoạch thì sẽ có sự phát triển đồng bộ, vững chắc. Với tiềm năng, vị trí, vai trò là trung tâm vùng trung du và miền núi phía Bắc, là cực tăng trưởng của vùng, Bộ trưởng thúc đẩy Thái Nguyên cần táo bạo hơn, đột phá hơn, mạnh dạn nắm bắt các cơ hội, lĩnh vực ưu tiên phát triển. Cần chuyển sang giai đoạn mới là chủ động kiến tạo để phát triển, quyết định tương lai. Trong đó, chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số để tạo ra động lực phát triển mới.

Theo kết quả bỏ phiếu, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua với tỷ lệ 100% thành viên Hội đồng thẩm định đồng ý với điều kiện có chỉnh sửa. Đến thời điểm diễn ra Hội nghị thẩm định (tháng 7/2022), theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đã có 7 tỉnh được Hội đồng thẩm định thông qua Quy hoạch tỉnh, trong đó, Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao nhất.

Ngày 14/3/2023, Thái Nguyên trở thành địa phương thứ 5 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh. Quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã đưa ra lời giải cho bài toán khó “làm thế nào để tốt hơn”, mang đến nhiều cơ hội phát triển mới trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 và những năm tiếp theo.

Phấn đấu đến năm 2050 xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng. Ảnh: Hoàng Giao

Phấn đấu đến năm 2050 xây dựng tỉnh Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng. Ảnh: Hoàng Giao

Phát triển Thái Nguyên xanh, thông minh, có bản sắc

Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Thái Nguyên phát triển nhanh, toàn diện, bền vững; xây dựng Thái Nguyên bình yên, hạnh phúc, sung túc, thân thiện, trở thành một trong những tỉnh phát triển ở miền Bắc.

Đến năm 2025, Thái Nguyên là một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh của vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội. Đến năm 2030, tỉnh Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao; trung tâm giáo dục - đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe; trung tâm du lịch; trung tâm chuyển đổi số của khu vực trung du và miền núi phía Bắc; xây dựng TP. Thái Nguyên trở thành một trong những cực tăng trưởng hạt nhân quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội.

Quy hoạch cũng nêu rõ, phấn đấu đến năm 2050 xây dựng Thái Nguyên đạt tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, xanh, thông minh, có bản sắc rõ ràng; là một trong những trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước; nơi đáng sống, đáng đến, an toàn và thịnh vượng.

Để hiện thực hóa những mục tiêu trên, Quy hoạch xác định 6 đột phá phát triển: kết cấu hạ tầng, chuyển đổi số; chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao; nâng cao năng lực, hiệu quả của bộ máy hành chính các cấp; quan tâm phát triển nguồn nhân lực địa phương; triển khai thực hiện tốt các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển tiềm năng du lịch, nông nghiệp công nghệ cao…

Quy hoạch Tỉnh cũng xác định rõ phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng và phương án tổ chức các hoạt động kinh tế, xã hội; phương án quy hoạch hệ thống đô thị, nông thôn, các khu chức năng; phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; phân bổ và khoanh vùng đất đai; phương án bảo vệ môi trường...

Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030:

* Về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt khoảng 8% đến 8,5%/năm; quy mô kinh tế đạt khoảng 13,5 tỷ USD; tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2030 khoảng 45 tỷ USD.

* Cơ cấu kinh tế: công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 60%; dịch vụ chiếm khoảng 32,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 7,2%.

* GRDP bình quân/người đạt khoảng 8.900 USD (giá hiện hành). Tỷ lệ lao động theo ngành kinh tế: ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 37%; ngành nông lâm nghiệp - thủy sản chiếm 27%; ngành dịch vụ chiếm 36%.

Trong đó, với ngành mũi nhọn là công nghiệp, Thái Nguyên xác định rõ phương hướng phát triển ngành công nghiệp - xây dựng, phấn đấu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại của vùng Thủ đô Hà Nội gắn với phát triển bền vững, có sức lan tỏa, tác động đến phát triển công nghiệp toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo với các nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp hiện đại, chuyên môn hóa cao tại các công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị gia tăng. Phát triển các cụm ngành công nghiệp cơ khí chế tạo, điện tử và sản xuất kim loại; ưu tiên phát triển các nhóm ngành, sản phẩm công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, thân thiện với môi trường. Gắn phát triển công nghiệp với đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ hỗ trợ chất lượng cao.

Tỉnh cũng tập trung phát triển các khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích đất được bố trí lên tới trên 6.200 ha trong thời kỳ 2021 - 2030. Trong đó, phát triển, mở rộng 11 khu công nghiệp và 1 khu công nghệ thông tin tập trung, với tổng diện tích 4.245 ha; phát triển 41 cụm công nghiệp với tổng diện tích 2.067 ha.

Thái Nguyên cũng quan tâm phát triển du lịch, các khu dịch vụ tổng hợp nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao sân golf với 13 sân golf đã được quy hoạch.

Hệ thống giao thông đường bộ được quy hoạch và phát triển 3 tuyến trục dọc, 4 tuyến trục ngang và 2 tuyến vành đai. Ngoài ra, Thái Nguyên xác định các phương án phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các phương án phát triển khác…

Nhanh chóng triển khai Quy hoạch

Quy hoạch Tỉnh là "kim chỉ nam" cho các hoạt động, các bước phát triển tiếp theo, không chỉ cho thời kỳ này mà còn cho cả các thời kỳ sau; là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.

Bà Hải nhấn mạnh, việc tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nhịp nhàng giữa các cấp, các ngành, xác định các nhiệm vụ trọng tâm, chủ yếu của đơn vị mình để tập trung chỉ đạo xây dựng các chương trình, kế hoạch, bố trí nguồn lực hợp lý để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Các cấp, ngành cần chủ động nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý quy hoạch, đồng thời huy động mọi nguồn lực, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển, đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, công trình hạ tầng trọng điểm có tính đột phá và sức lan tỏa.

Định hướng phát triển 2 vùng kinh tế - xã hội:

* Vùng phía Nam với 3 khu vực: cụm thành phố Thái Nguyên - Sông Công - Phổ Yên là khu vực đô thị hóa tập trung, là hạt nhân và động lực phát triển kinh tế - xã hội; huyện Phú Bình định hướng trở thành thị xã Phú Bình, là đô thị công nghiệp, công nghệ cao, đổi mới và sáng tạo; huyện Đại Từ định hướng trở thành thị xã Đại Từ, là đô thị sinh thái - văn hóa - du lịch.

* Vùng phía Bắc được phân thành 2 khu vực: khu vực Đông Bắc gồm 2 huyện Võ Nhai, Đồng Hỷ; khu vực Tây Bắc gồm 2 huyện Định Hóa và Phú Lương, định hướng phát triển là vùng bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa, phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp chế biến, khai thác khoáng sản và du lịch.

Ngay sau khi được phê duyệt, ngày 23/3/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có văn bản gửi các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện Quy hoạch. Trong đó, Chủ tịch UBND Tỉnh Trịnh Việt Hùng nêu rõ, các đơn vị nghiên cứu xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu phát triển và theo quy định của pháp luật để huy động các nguồn lực thực hiện Quy hoạch. Tăng cường thu hút đầu tư, đề xuất các công trình, dự án đầu tư phù hợp nhằm huy động mọi nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Sở KH&ĐT tỉnh Thái Nguyên, từ đầu tháng 4/2023, các sở, ngành đã bắt tay vào triển khai thực hiện Quy hoạch đối với ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Các địa phương cũng đã tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021 - 2030. Cùng với đó, tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch vùng huyện, quy hoạch chung thành phố, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, nông thôn…

Triển khai Quy hoạch, tháng 4/2023, Sở Xây dựng Thái Nguyên kiến nghị UBND Tỉnh chỉ đạo lập quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đối với 4 khu công nghiệp mới trên địa bàn, gồm Yên Bình 2, Yên Bình 3, Thượng Đình và Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Tây Phổ Yên với tổng diện tích gần 1.860 ha để thu hút đầu tư trong những năm tới. Theo Sở Xây dựng Thái Nguyên, 4 khu công nghiệp này nằm cạnh đường Vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội và đường liên kết vùng Thái Nguyên - Bắc Giang - Vĩnh Phúc nên có thế mạnh thu hút đầu tư đối với các ngành có công nghệ cao, công nghệ xanh, thân thiện môi trường và đây là những lĩnh vực mà tỉnh Thái Nguyên ưu tiên.

Ngày 14/7/2023, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh. Bản Kế hoạch đã xác định rõ nội dung trọng tâm, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm thống nhất từ nhận thức đến hành động trong quá trình triển khai thực hiện. Xác định cụ thể tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án để xây dựng các chính sách, giải pháp nhằm thu hút nguồn lực xã hội.

Chuyên đề