Hai dự án cơ sở 2 bệnh viện Bạch Mai - Việt Đức: Nhà thầu hiến kế gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay của hai dự án cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức là thống nhất phương án điều chỉnh hợp đồng. Trong khi chủ đầu tư loay hoay tìm giải pháp, một số nhà thầu đưa ra kiến nghị đẩy nhanh việc xác định khối lượng công việc đã hoàn thành để thanh quyết toán và hướng đi để thực hiện nốt phần công việc còn lại.
Diện tích thi công tại Gói thầu XDVĐ-01 thuộc cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức sau 8 lần điều chỉnh tăng hơn 20.000 m2 so với diện tích ban đầu tại hồ sơ mời thầu
Diện tích thi công tại Gói thầu XDVĐ-01 thuộc cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức sau 8 lần điều chỉnh tăng hơn 20.000 m2 so với diện tích ban đầu tại hồ sơ mời thầu

Mắc kẹt pháp lý điều chỉnh hợp đồng

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, đại diện Tổng công ty 36 cho biết, hiện nay Gói thầu XDBM-01 thuộc cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai (Liên danh Tổng công ty 36 - Tổng công ty 319 - Tổng công ty Thành An thi công) đạt khoảng 95% giá trị khối lượng theo hồ sơ thiết kế cơ sở (TKCS) được duyệt, Gói thầu XDVĐ-01 thuộc cơ sở 2 Bệnh viện Việt Đức (Liên danh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty CP Hồng Hà Việt Nam thi công) đạt khoảng 90% khối lượng. Như vậy, giá trị còn lại khá ít so với cả gói thầu.

Mặc dù thi công vượt giá trị hợp đồng ban đầu, nhưng từ năm 2020 đến nay, các nhà thầu chưa được nghiệm thu thanh toán. Theo Tổng công ty 36, trong gần 4 năm tạm dừng việc thi công, Nhà thầu vẫn phải bảo trì khối lượng công trình đã thực hiện nhưng chưa được nghiệm thu thanh toán, ước tính khoảng 3 tỷ đồng/tháng.

Theo Công ty CP Hồng Hà Việt Nam, thời gian thi công kéo dài, việc dừng công trường khiến Nhà thầu phát sinh các chi phí quản lý, duy trì công trường, sửa chữa và thi công các công việc có giá trị nhỏ tại hiện trường, lãi vay, bảo lãnh vượt nhiều lần so với dự kiến, đặc biệt rủi ro từ việc tăng giá nguyên vật liệu, chi phí nhân công, máy móc thiết bị… trong khi nhiều hạng mục công việc hoàn thành không đủ điều kiện nghiệm thu thanh quyết toán, thanh toán hợp đồng chủ yếu được thực hiện thông qua hình thức tạm ứng, tiềm ẩn rủi ro lớn về tài chính cho Công ty.

Theo tính toán của các nhà thầu, dự toán thi công (không bao gồm dự phòng) đã tăng hơn nhiều so với giá hợp đồng ban đầu, cho dù không làm vượt tổng mức đầu tư. Trong đó, Gói thầu XDBM-01 được các nhà thầu đề xuất điều chỉnh tăng 22% so với giá trị hợp đồng ban đầu, lên 2.431 tỷ đồng; Gói thầu XDVĐ-01 được đề xuất điều chỉnh lên 2.403 tỷ đồng, tăng 20% so với giá trị hợp đồng ban đầu; Gói thầu XDBM-02 được nhà thầu đề xuất điều chỉnh lên 280 tỷ đồng, tăng 22,8% so với giá trị hợp đồng ban đầu; Gói thầu XDVĐ-02 được đề xuất điều chỉnh lên 312 tỷ đồng, tăng 41% so với giá trị hợp đồng ban đầu.

Riêng Gói thầu XDVĐ-01, sau 8 lần được Chủ đầu tư điều chỉnh diện tích TKCS (do đơn vị tư vấn thiết kế của Chủ đầu tư đề xuất), diện tích mà nhà thầu thi công lên tới 139.204 m2, tăng hơn 20.000 m2 so với diện tích ban đầu tại hồ sơ mời thầu (117.714 m2).

Khó khăn, vướng mắc lớn nhất hiện nay, theo Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện 2 dự án, chủ yếu tập trung ở 2 gói thầu xây lắp khối nhà chính, gồm: Gói thầu XDBM-01 có giá 1.990 tỷ đồng, Gói thầu XDVĐ-01 có giá 2.000 tỷ đồng. Nguyên nhân là công tác lựa chọn nhà thầu, ký kết và thực hiện hợp đồng không thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, hợp đồng xây dựng, quy chuẩn Việt Nam (QCVN)...

Liên quan đến tổ chức lựa chọn nhà thầu, việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giá gói thầu và tổ chức đấu thầu theo hình thức đấu thầu căn cứ vào TKCS, khái toán tổng mức đầu tư (dạng hợp đồng EPC, gói thầu hỗn hợp, gồm thiết kế - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị), nên nhiều nội dung còn sơ lược, chưa chi tiết (khối lượng xây dựng, điều kiện hợp đồng, mẫu hợp đồng).

Hồ sơ mời thầu được lập có kèm theo bản vẽ TKCS, thuyết minh dự án, chỉ dẫn kỹ thuật trong dự án được duyệt, mà chưa có thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, nên không có khối lượng công việc và dự toán chi tiết.

Trong đó, phần xây dựng của Gói thầu XDBM-01 và XDVĐ-01 mời thầu theo khối nhà, nhà thầu cũng chào thầu theo hồ sơ mời thầu, nên không có khối lượng gốc và đơn giá gốc. Trong khi đó, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, hồ sơ mời thầu phải bao gồm các tài liệu về thiết kế kèm theo dự toán được duyệt với gói thầu xây lắp; yêu cầu về đặc tính, thông số kỹ thuật đối với hàng hóa (nếu có).

Hồ sơ mời thầu như trên chỉ phù hợp với loại hợp đồng EPC (tổng thầu thực hiện toàn bộ các khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị). Nhưng thực tế, khâu thiết kế kiến trúc của 2 dự án do tư vấn khác lập, nên việc ký kết và quản lý thực hiện hợp đồng không tuân thủ các quy định của hợp đồng EPC và cũng không theo mô hình truyền thống.

Các hợp đồng được ký kết (dạng EPC) dựa vào TKCS, khối lượng và đơn giá tổng hợp theo m2 sàn, theo hệ thống, trong khi hồ sơ TKCS còn thiếu chi tiết, cách tính diện tích sàn cũng chưa phù hợp với QCVN 03:2012/BXD. Quá trình lập, thẩm tra, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công lại có nhiều thay đổi so với thiết kế ban đầu (tăng quy mô, thay đổi công năng, điều chỉnh), dẫn đến khối lượng, diện tích sàn, số lượng thiết bị, kích thước… thay đổi nhiều so với hợp đồng ban đầu.

Hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, nhưng nội dung thỏa thuận không phù hợp với quy định về phương thức điều chỉnh đơn giá hợp đồng tại Nghị định 63/2014/NĐ-CP, cũng không thể điều chỉnh giá gói thầu theo quy định tại Nghị định số 48/2010/NĐ-CP, Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Thông tư số 08/2010/TT-BXD. Nếu thực hiện đúng thỏa thuận về giá gói thầu như trong hợp đồng sẽ dẫn đến nguy cơ giá trị thanh toán vượt giá trúng thầu, không đảm bảo nguyên tắc thương thảo hợp đồng quy định tại điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP.

Mặt khác, hợp đồng áp dụng theo đơn giá điều chỉnh, nhưng không có khối lượng chi tiết, không có dự toán kèm theo, nên hiện không thể điều chỉnh được. Trong khi đó, hợp đồng thiếu thỏa thuận cụ thể, chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật (cấu hình, xuất xứ…), cách thức đo đếm khối lượng, số lượng để làm cơ sở nghiệm thu thanh toán khối lượng hoàn thành, nên không xử lý được việc điều chỉnh giá hợp đồng. Các nhà thầu đã kiến nghị và dừng thi công tại hiện trường, dẫn đến dự án bị đình hoãn.

Gỡ vướng bằng cách nào?

Các bên đã đề xuất rất nhiều phương án điều chỉnh giá hợp đồng. Trong đó, Tổ công tác của Thủ tướng nghiêng về phương án xác định giá hợp đồng sau điều chỉnh (giá thanh toán) dựa theo giá trúng thầu trong hợp đồng (không bao gồm dự phòng phí) cộng với giá trị khối lượng phát sinh (do các yếu tố thay đổi) và trượt giá.

Để đảm bảo tính khả thi của phương án này, theo các nhà thầu, trước tiên phải dựa vào giá trúng thầu là giá trị hợp đồng ban đầu (không bao gồm chi phí dự phòng). Tiếp đến là giá trị khối lượng phát sinh bao gồm phát sinh tăng, phát sinh giảm và phát sinh thiệt hại do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng mà không phải do lỗi của nhà thầu.

Trong đó, giá trị phát sinh tăng là giá trị của hạng mục thay đổi được xác định bằng cách lập dự toán chi tiết theo quy định về dự toán xây dựng công trình (khối lượng công tác xây dựng chi tiết theo bản vẽ thiết kế thi công được phê duyệt, đơn giá được xây dựng chi tiết).

Giá trị phát sinh giảm là giá trị giảm cả hạng mục theo hợp đồng gốc và theo hồ sơ dự thầu.

Giá trị thiệt hại phát sinh do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng mà không do lỗi của nhà thầu như: chi phí bảo lãnh ngân hàng, chi phí quản lý, chi phí bảo vệ, chi phí vận hành, chi phí bảo hành quá hạn, chi phí sửa chữa khắc phục những hỏng hóc do đã thi công xong nhưng chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng, hỏng hóc và xuống cấp do sử dụng để chống dịch Covid-19…

Cộng thêm vào đó là phần trượt giá, dự phòng phí cho các phần công việc phát sinh.

Muốn thực hiện được phương án này, nhà thầu thi công Gói thầu XDVĐ-01 đề nghị, Chủ đầu tư cần sớm cung cấp cho nhà thầu thiết kế kỹ thuật phần kiến trúc phù hợp với TKCS, từ đó nhà thầu thiết kế lại phần kết cấu và cơ điện phù hợp để tính được giá trị phát sinh. Các bộ, ngành cần sớm thẩm định và phê duyệt dự toán thiết kế kỹ thuật, định mức 90% tên công việc của phần kiến trúc do nhà thầu lập và đã được Viện Kinh tế xây dựng thẩm tra.

“Trong trường hợp bất khả kháng, nếu phải dừng hợp đồng thì các bước thực hiện vẫn phải theo trình tự: thanh lý và chấm dứt hợp đồng với nhà thầu cũ, xác định khối lượng dở dang để lập gói thầu mới. Các bên vẫn phải tiến hành xác định giá trị hợp đồng điều chỉnh. Phương án này đòi hỏi thời gian rất dài, có thể là nhiều năm, để các bên có thể thương thảo, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước, cũng như thiệt hại cho các nhà thầu. Do vậy, quan điểm chung của các nhà thầu là quyết tâm chung tay cùng Bộ Y tế để có thể hoàn thành các dự án vào cuối năm nay như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, đại diện Tổng công ty 36 chia sẻ.

Chuyên đề