Gỡ “nút thắt” năng suất lao động, tạo bứt phá mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tốc độ tăng năng suất lao động (NSLĐ) thấp là một gam trầm trong bức tranh kinh tế - xã hội (KTXH) 9 tháng đầu năm 2022. Đây là chỉ tiêu duy nhất ước không đạt của năm nay (ước tăng 4,7 - 5,2%, kế hoạch là 5,5%) và khiến nhiều đại biểu Quốc hội không khỏi lo lắng. Theo đó, tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, Quốc hội đề nghị Chính phủ thực hiện tốt các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để hóa giải “nút thắt” này, tạo đà bứt phá cho nền kinh tế.
Tốc độ tăng năng suất lao động là một trong những chỉ tiêu có ý nghĩa quan trọng, phản ánh năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên
Tốc độ tăng năng suất lao động là một trong những chỉ tiêu có ý nghĩa quan trọng, phản ánh năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Ảnh: Lê Tiên

Làm rõ nguyên nhân chỉ tiêu tăng năng suất lao động không đạt

Theo Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023 được Chính phủ trình Quốc hội, ước năm 2022, tốc độ tăng NSLĐ ở khoảng 4,7% - 5,2% không đạt mục tiêu trong khi tăng trưởng kinh tế cao, ước đạt 8%. Kết quả này đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại, bởi đây là một trong những chỉ tiêu có ý nghĩa quan trọng, phản ánh năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Đại biểu Phan Viết Lượng (Bình Phước) cho rằng, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định đến NSLĐ. Nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, chất lượng nhân lực tuy có sự cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ước đạt 27%, trong khi nhiều nước trong khu vực đạt trên 50%. Bên cạnh đó, ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề còn thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.

Với 465 đại biểu Quốc hội tán thành, chiếm 93,37% tổng số đại biểu, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023, trong đó tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1 - 1,5%...

Đồng quan điểm, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ thực trạng, làm rõ nguyên nhân của việc không đạt chỉ tiêu tăng NSLĐ. Đồng thời quyết liệt chỉ đạo, có giải pháp hiệu quả, tạo đột phá về tăng NSLĐ trong thời gian tới.

Thông tin về nguyên nhân chỉ tiêu tăng NSLĐ không đạt kế hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kinh tế Việt Nam năm 2022 có sự chuyển dịch lao động giữa các ngành kinh tế. Một bộ phận lao động phải bắt tay với những công việc mới, lĩnh vực chuyên môn mới, hoạt động kinh tế mới đòi hỏi sự đầu tư về thời gian học tập, nghiên cứu, thích nghi. Đồng thời, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng phát sinh thêm chi phí để tuyển dụng và đào tạo lao động nên NSLĐ của chính cá nhân đó trong năm 2022 có thể bị giảm xuống so với những năm trước…

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng chỉ ra, trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn yếu, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân lực những ngành mới… là các yếu tố ảnh hưởng tới NSLĐ.

Xây dựng Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động

Để thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị Chính phủ và các đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp để tăng NSLĐ, trong đó cần nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể cải thiện NSLĐ.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đang tích cực triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 với nhiều giải pháp, nhằm tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực, tạo chuyển biến thực chất, rõ nét về mô hình tăng trưởng, năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Chính phủ đang xây dựng Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ với nhiều giải pháp tổng thể thúc đẩy tăng NSLĐ”, Bộ trưởng thông tin.

Về lâu dài, cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách để đồng hành kịp thời với sự phát triển kinh tế, đi liền với sự chuyển đổi giai đoạn kinh tế dựa vào đầu tư sang nền kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo, nền kinh tế tri thức.

Đồng thời, tăng cường đầu tư cho đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh tiến bộ khoa học và công nghệ, áp dụng triệt để khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào tất cả các lĩnh vực KTXH cũng như tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu thực tế của nền kinh tế.

Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 vừa được Quốc hội thông qua, chỉ tiêu tốc độ tăng NSLĐ khoảng 5 - 6%. Để đạt mục tiêu này, Quốc hội yêu cầu Chính phủ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Chuyên đề