Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh năm 2022 dự kiến chú trọng cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Ảnh: Tường Lâm |
Nỗ lực cao hơn, tăng tốc mạnh hơn
Theo Bộ KH&ĐT, qua 8 năm nỗ lực cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP các năm từ 2014 - 2018 và Nghị quyết số 02/NQ-CP các năm từ 2019 - 2021, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu được nâng lên. Nhiều rào cản, khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) được khơi thông. Nhờ đó, Việt Nam luôn được coi là điểm đến đầu tư hấp dẫn và là nền kinh tế năng động, duy trì tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao trên thế giới.
Chất lượng môi trường kinh doanh cải thiện tích cực cũng được thể hiện rõ qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) khi các chỉ số năm sau thường cải thiện hơn so với các năm đánh giá trước đó.
Bộ KH&ĐT cho biết, từ năm 2020 đến nay, trước tác động của dịch Covid-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN và người dân. Những cơ chế, chính sách, giải pháp đã đi vào cuộc sống, được cộng đồng DN, người dân hoan nghênh và đánh giá cao. Thời gian tới, DN càng kỳ vọng nhiều hơn vào sự đồng hành của Chính phủ thông qua các giải pháp cải cách thể chế, quy định và thủ tục hành chính.
Tuy vậy, cải cách môi trường kinh doanh từ năm 2020 đến nay có xu hướng chững lại. Trong Báo cáo gửi Chính phủ, Bộ KH&ĐT chỉ ra, năm 2021, hoạt động cải cách công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu của đa số các bộ, ngành chậm lại, chưa có nhiều thay đổi, chuyển biến so với trước. Tình trạng không rõ ràng, chồng chéo, trùng lặp, mâu thuẫn, khác biệt trong pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường đã và đang là rào cản lớn, gây ra khó khăn, phức tạp, tốn kém và rủi ro đối với DN. Những bất cập này cũng là rào cản đối với phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh.
Trên bảng xếp hạng toàn cầu, thứ hạng của Việt Nam ở một số chỉ tiêu cải thiện chưa bền vững và không ít chỉ tiêu vẫn còn thấp hoặc không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. So với năm 2020, nhiều chỉ số năm 2021 giảm điểm hoặc giảm bậc như: Đổi mới sáng tạo giảm 2 bậc (từ thứ 42 xuống 44); Phát triển bền vững giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 49 xuống 51); Quyền tài sản giảm điểm và giảm bậc (từ thứ 78 xuống 84)…
Mục tiêu lớn
Để tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển, Bộ KH&ĐT kiến nghị Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022.
Mục tiêu cụ thể về cải thiện Năng lực cạnh tranh 4.0 theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là: Chi phí tuân thủ pháp luật lên 3 - 4 bậc; chỉ số Kiểm soát tham nhũng lên 10 bậc; chỉ số Hạ tầng lên 2 - 3 bậc… Về cải thiện Năng lực đổi mới sáng tạo (GII) theo xếp hạng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số Hạ tầng công nghệ thông tin tăng lên ít nhất 5 bậc; chỉ số Tuyển dụng lao động thâm dụng tri thức tăng ít nhất 5 bậc…
Để đạt được mục tiêu này, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Nghị quyết năm 2022 dự kiến chú trọng đặc biệt đến việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hỗ trợ DN với việc tập trung dỡ bỏ rào cản cho DN. Cụ thể, Nghị quyết chú trọng cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; loại bỏ rào cản đối với đầu tư kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật, cũng như cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh…
Trên cơ sở đó, Nghị quyết phân công nhiệm vụ cho từng bộ chủ trì để đạt mục tiêu. Chẳng hạn như đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan cắt giảm danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và cải cách điều kiện kinh doanh; Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định quy định về hệ thống thông tin đất đai, tạo hành lang pháp lý cho việc xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai làm nền tảng cho thực hiện giao dịch điện tử về đất đai…