Giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường thế giới tăng đột biến, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến thời gian giao hàng kéo dài là những lý do khiến giá thép trong nước tăng mạnh. Ảnh: Lê Tiên |
Giá thép vẫn leo thang, nhà thầu điêu đứng
Thông tin về thị trường thép ngày 13/5 cho thấy, giá thép thế giới vẫn trong xu hướng đi lên, chưa có dấu hiệu điều chỉnh giảm.
Ở trong nước, hiện giá sắt, thép đang dao động từ hơn 17.000 đến 18.000 đồng/kg. Trong ngày 12/5/2021, nhiều DN sắt, thép lớn đã tăng giá mỗi kg sắt thép từ 500 đồng đến 600 đồng/kg. Thậm chí, loại thép cây to đã tăng thêm 800 đồng/kg, tùy nhà sản xuất, cung ứng.
Ông Vũ Đình Hồng, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Cơ khí chính xác Thăng Long cho biết, việc giá thép tăng cao từ cuối năm 2020 đến nay khiến Công ty bị thiệt hại khá lớn, ước chừng khoảng 20 tỷ đồng. Công ty đã và đang cung ứng sản phẩm cơ khí cung ứng cho nhiều gói thầu/dự án lĩnh vực năng lượng.
“Chúng tôi chủ yếu ký kết loại hợp đồng trọn gói hoặc hợp đồng theo đơn giá cố định. Do đó, khi giá thép tăng cao, Công ty gặp rất nhiều khó khăn, không thực hiện thì không có việc làm mà thực hiện thì lỗ quá lớn”, ông Hồng tâm tư.
Chịu áp lực quá lớn trước tình hình giá vật liệu xây dựng trên địa bàn tăng đột biến, Công ty CP Đầu tư Thương mại Xây dựng Đức Phát (Quảng Trị) vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị “kêu cứu”. Cách đây không lâu, 40 nhà thầu xây dựng ở tỉnh Cà Mau đã cùng ký vào đơn gửi UBND tỉnh Cà Mau, Sở Xây dựng Cà Mau để cầu cứu.
Đứng trước khó khăn giá thép tăng cao, trong văn bản gửi Chính phủ, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho biết, nhà thầu xây dựng cả nước đang đứng trước nguy cơ vỡ trận, phá sản do tình hình giá thép tăng đột biến. Hiệp hội cũng chỉ ra có sự chênh lệch lớn giữa giá thép được các cơ quan nhà nước công bố và thị trường.
Chặn đà tăng giá
Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương cho biết, giá nguyên liệu đầu vào của ngành thép trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá nguyên liệu thế giới. Thời gian gần đây, trên thị trường thế giới, giá nguyên liệu sản xuất thép tăng cao đột biến, cùng với đó là những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến thời gian giao hàng kéo dài là những lý do khiến giá thép trong nước tăng mạnh. Cơ quan này cũng bác nghi vấn các DN thép trong nước bắt tay nhau tăng giá.
Để bình ổn thị trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chỉ đạo Bộ Công Thương nghiên cứu, có các biện pháp tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước, hướng tới đáp ứng được cơ bản nhu cầu trong nước. Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng nhằm giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.
Đại diện Cục Công nghiệp cho hay, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; chỉ đạo Tổng cục Thống kê cung cấp tình hình sản xuất và tiêu thụ thép hàng tháng. Đồng thời, chỉ đạo Bộ Xây dựng dự báo và cung cấp nhu cầu sắt, thép xây dựng của nền kinh tế trong năm 2021 để cân đối nhu cầu thép, giúp các DN ngành thép chủ động trong việc sản xuất và tiêu thụ, nâng cao hiệu quả kinh tế cho các DN sản xuất thép.
Về dài hạn, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường biện pháp phòng vệ thương mại để giúp cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước phát triển, đáp ứng đủ nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu.
Cùng với đó, Bộ Công Thương cũng chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, các hành vi đầu cơ, găm hàng và lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính; kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng.
Mới đây, Bộ Xây dựng đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bám sát diễn biến của thị trường xây dựng để kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng phù hợp mặt bằng giá thị trường, lưu ý tránh bị tác động của các hiện tượng đầu cơ, thổi giá.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đề nghị các bộ quản lý công trình chuyên ngành, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN, UBND các tỉnh, thành phố dự báo, xây dựng các kịch bản ảnh hưởng của việc tăng giá thép đến tổng mức đầu tư và khả năng đáp ứng về nguồn vốn để đảm bảo việc triển khai, thực hiện dự án; đề xuất các giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn gửi về Bộ trước ngày 20/5 để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)