“Đuối sức”, doanh nghiệp mong sớm được tháo gỡ khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Theo phản ánh của đa số lãnh đạo các doanh nghiệp (DN), hiện tình hình sản xuất kinh doanh của các DN đang rất khó khăn, nhất là về dòng tiền. Nhiều DN đã phải tạm dừng sản xuất, cho người lao động nghỉ việc…
Thị trường xây dựng trầm lắng, tiêu thụ vật liệu xây dựng cũng khó khăn. Ảnh: Internet
Thị trường xây dựng trầm lắng, tiêu thụ vật liệu xây dựng cũng khó khăn. Ảnh: Internet

Doanh nghiệp các ngành đang rất khó

Một lãnh đạo DN cơ khí khu vực phía Bắc vừa chia sẻ, do khó khăn về sản xuất kinh doanh nên hơn một tháng nay, 80% người lao động của Công ty đã phải nghỉ việc…

Theo lãnh đạo DN này, Công ty của họ thành lập hơn 20 năm với bề dày kinh nghiệm, uy tín về chất lượng được công nhận trên thị trường trong nước và quốc tế. DN có 400 lao động, 3 nhà xưởng lớn với doanh thu hàng năm khoảng 400 tỷ đồng. Thế nhưng, dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua đã đẩy DN vào tình thế vô cùng khó khăn. Kể từ quý 4/2019 đến nay, ngân hàng đã rút hạn mức tín dụng thường xuyên của DN, đặc biệt gần đây DN còn bị đẩy sang nhóm nợ xấu, dòng tiền khó khăn, hoạt động sản xuất đình trệ như hiện nay.

Đối với ngành thép, tình hình sản xuất kinh doanh của DN cũng không mấy dễ dàng. Trong thông cáo báo chí về tình hình bán hàng 11 tháng năm 2022 của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát trong phát đi ngày 6/12/2022 cho thấy, tình hình tiêu thụ thép vẫn giảm, là nguyên nhân chính dẫn đến tổng lượng tiêu thụ của Tập đoàn giảm xuống mức thấp nhất từ đầu năm. “Tiêu thụ các sản phẩm thép đạt 443.000 tấn, giảm 30% so với tháng 11 năm trước. Trong đó, thép xây dựng đóng góp 252.000 tấn, tăng 20% so với tháng 10 và giảm 7% so với cùng kỳ. Thép cuộn cán nóng (HRC) đạt 180.000 tấn, giảm 12% so với cùng kỳ”, Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh. Việc tiêu thụ các sản phẩm thép hạ nguồn cũng gặp khó khăn do thị trường trầm lắng.

Cũng do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, vừa qua, Tập đoàn này đã thông báo dừng hoạt động của 4 lò thép từ tháng 11/2022 và dự kiến sẽ dừng sản xuất 1 lò cao nữa tại Dung Quất trong tháng 12/2022. Đồng thời, Tập đoàn cũng cho một số người lao động nghỉ việc luân phiên.

Với ngành xi măng, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho hay, do thị trường tiêu thụ trầm lắng, các DN trong Ngành đang gặp nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Quang Cung, thời gian gần đây, rất nhiều DN xi măng đã phải dừng một hoặc một số dây chuyền sản xuất trong khi dư địa để xi măng tăng giá bán rất khó.

Ở lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, các DN xây dựng đang rất khó khăn. Theo ông Hiệp, với tình hình bão giá vật liệu xây dựng tăng cao đến 18-40% suốt thời gian qua đến nay, cộng với những khó khăn về nguồn nhân lực do hậu quả của Covid-19 và công việc về xây dựng cũng hạn hẹp... Năm nay, sản lượng, doanh thu, lợi nhuận DN xây dựng thấp hơn kế hoạch. Nhưng điều đáng lo ngại là dòng tiền và hiệu quả kinh doanh sụt giảm mạnh vì chi phí lớn.

Cập nhật về tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại tháng 11 và 11 tháng năm 2022, Bộ Công Thương nhấn mạnh, từ quý IV/2022, thị trường quốc tế có những diễn biến không thuận lợi do nhu cầu ở các thị trường lớn của Việt Nam sụt giảm, đơn đặt hàng giảm, xu hướng bảo hộ thương mại tiếp tục gia tăng… đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam.

Sản xuất công nghiệp đang đối mặt với việc sụt giảm đơn hàng ở những ngành hàng xuất khẩu lớn như (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...), DN giảm doanh thu, cắt giảm giờ làm, giảm lao động. Rủi ro thiếu hụt nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn còn hiện hữu.

Đối với xuất nhập khẩu thì thị trường bị thu hẹp. Một số mặt hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường EU, Hoa Kỳ đang đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ; thị trường châu Âu đang dựng lên các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh... khiến DN bị động và gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận thị trường...

Nhìn thẳng vào sự thật để tháo gỡ

Với tình hình rất khó khăn, thậm chí bên bờ vực phá sản, lãnh đạo DN cơ khí nêu trên mong mỏi ngân hàng khẩn trương xem xét giải quyết “nút thắt” về dòng tiền cho DN để đảm bảo được đời sống cho toàn thể cán bộ công nhân viên có công ăn việc làm ổn định, công ty ký kết được nhiều hợp đồng cho những năm tiếp theo để phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Quang Cung đề nghị, trước tình hình thị trường xây dựng chưa có dấu hiệu sôi động trở lại, các cơ quan quản lý cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, gỡ ách tắc cho thị trường bất động sản…

Dưới góc nhìn của chuyên gia về môi trường kinh doanh, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh là một trong ba chân kiềng trong điều hành kinh tế- xã hội (ổn định kinh tế vĩ mô; cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; hội nhập quốc tế thông qua FTA và tạo thuận lợi thương mại), là “trợ lực” để giúp cho DN kinh doanh hiệu quả. Song đáng tiếc là, thời gian qua, việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh đã bị chững lại; các quy định có xu hướng thắt chặt hơn, gây khó khăn, phiền hà hơn cho DN với chi phí tuân thủ cao hơn.

“Theo đó, để hỗ trợ DN, hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh phải mạnh mẽ hơn, đột phá tạo luồng sinh khí mới trong môi trường kinh doanh”, ông Cung nhấn mạnh.

Một số ý kiến khác cũng đề nghị các cấp có thẩm quyền cho phép các DN được tiếp tục các chính sách hỗ trợ thuế, tín dụng… như thời kỳ dịch bệnh.

Tháo gỡ khó khăn cho DN, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương phải tập trung giải quyết những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, trong đó có tháo gỡ về vốn, mở rộng thị trường, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh.

“Khi thấy người dân và DN gặp khó khăn thì cơ quan nhà nước không được bỏ mặc mà trách nhiệm càng phải cao, tránh tình trạng người dân và doanh nghiệp nghĩ rằng cơ quan nhà nước không có ý kiến gì hoặc bỏ mặc”, Thủ tướng lưu ý.

Chuyên đề