Dự báo sản lượng ngành thép 2022 đạt 33,3 triệu tấn tăng 8%, chi phí nguyên liệu ảnh hưởng thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
Triển vọng tăng trưởng dựa trên ngành bất động sản lẫn xây dựng sẽ hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép. Tuy vậy các doanh nghiệp thép cũng đang đối diện rủi ro chi phí nguyên, nhiên liệu tăng vọt...
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Trong báo cáo triển vọng ngành thép vừa công bố, Chứng khoán Mirae Asset dự phóng sản lượng thép toàn ngành năm 2022 sẽ đạt 33,3 triệu tấn, tăng 8%.

Triển vọng dựa trên ngành bất động sản lẫn xây dựng sẽ hồi phục, qua đó thúc đẩy sản lượng toàn ngành thép. Tuy nhiên, sản lượng sẽ khó có tăng trưởng đột biến như năm 2021 khi hầu hết các công ty thép nội địa đã chạy hết công suất và chưa có những đại dự án mới đưa vào.

Trước đó, năm 2021, sản lượng thép toàn ngành đạt 30,8 triệu tấn tăng 32,5% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng xuất khẩu đạt 7,5 triệu tấn tăng 66%, tương ứng với tổng giá trị xuất khẩu đạt 12 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử. Mảng tôn mạ tăng trưởng ấn tượng nhất với sản lượng toàn ngành 2021 đạt 6 triệu tấn tăng 52,5%, trong đó xuất khẩu chiếm 45%, tương đương 3,4 triệu tấn tăng 133%.

Mirae Asset cho rằng thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục rộng mở trong năm 2022 dưới tác động từ chiến tranh giữa Nga – Ukraine. Sản lượng xuất khẩu được dự báo năm 2022 sẽ tăng 15% đạt mức 8,7 triệu tấn.

Hiện nay, Nga xếp thứ 2 về xuất khẩu thép vào EU, với tỷ trọng 14.1% thép dẹt và 19% thép dài, Ukraine chiếm 8% thép dẹt và 7.4% thép dài, còn Belarus chiếm 14.4% thép dài. Việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng sẽ giúp các công ty thép Việt Nam sẽ tiếp tục hưởng lợi từ xuất khẩu, đặc biệt từ thị trường Châu Âu và Mỹ.

Trong cả năm 2021, các chính sách thuế chống bán phá giá đối với Việt Nam không có thay đổi đáng kể, vẫn giữ nguyên ở mức rất thấp hoặc không có. Ngoại trừ một số sản phẩm xuất khẩu sang Thái Lan hay Úc, vốn chiếm dưới 5% tổng sản lượng xuất khẩu thép, mảng xuất khẩu của ngành thép hứa hẹn tiếp tục một năm 2022 tươi sáng phía trước.

Các công ty được hưởng lợi ở mảng xuất khẩu năm nay sẽ là các công ty tôn mạ. Do mảng tôn mạ hiện tại đang dư khoảng 30% tổng công suất nhưng nhu cầu nhập khẩu mặt hàng CRC và tôn mạ màu rất lớn khi nguồn cung từ Trung Quốc và Nga giảm mạnh. Ba công ty hưởng lợi từ điều này là Tôn Nam Kim (HSX: NKG), Tôn Hoa Sen (HSX: HSG) và Tôn Đông Á (OTC: TDA).

Tuy vậy, ngành thép đang đối diện với ba rủi ro lớn. Thứ nhất, rủi ro về biến động giá nguyên vật liệu. Ngành thép và tôn mạ có rủi ro lớn do chi phí nguyên liệu chiếm 65-75% giá thành sản xuất. Đặc biệt trong ngành tôn mạ, giá HRC chiếm hơn 80% chi phí nguyên liệu đầu vào, khiến lợi nhuận của cả ngành biến động rất lớn theo HRC. Tuy nhiên, các công ty đầu ngành tôn mạ như NKG hay HSG đều đã dần chuyển sang bán hợp đồng theo đơn hàng chốt giá trước 3 tháng, do đó trong 6 tháng đầu năm 2022 rủi ro sẽ không lớn.

Giá than cốc đã tăng rất mạnh cùng với giá quặng sắt liên tục có xu hướng tăng giá. Trong bối cảnh giá bán tăng cao có thể khiến thị trường xây dựng sẽ suy giảm tốc độ tăng trưởng, qua đó ảnh hưởng trực tiếp tới sản lượng.

Thứ hai, rủi ro về thuế chống bán phá giá thị trường xuất khẩu. Ngành thép hiện nay xuất khẩu (19.56% tổng sản lượng bán hàng) rất nhiều sang các nước như Trung Quốc, EU, Mỹ …. Vì vậy, vẫn tồn tại rủi ro rất lớn về việc chính sách thuế quan sẽ thay đổi trong bối cảnh chiến tranh thương mại vẫn diễn ra giữa Trung Quốc và các nước.

Thứ ba, rủi ro về hạn chế xuất khẩu. Hiện tại tháng 3/2022, giá thép xây dựng đã tăng lên mức 18,3 triệu đồng/tấn. Rủi ro có thể xảy ra nếu giá vật liệu xây dựng ở mức cao, một số dòng thép sẽ bị hạn chế xuất khẩu. Trong đó, phôi thép xây dựng là dòng sản phẩm chúng tôi cho rằng sẽ đối diện với nguy cơ này đầu tiên.

Chuyên đề