Dự án xây mới bến xe Miền Đông, Miền Tây: Đằng đẵng ngày về đích

Được phê duyệt từ năm 2011, với tổng vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng, nhưng sau 5 năm, Dự án xây dựng mới Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và chưa tìm được đối tác thực hiện dự án.
Trong khi chờ đợi bến xe mới được xây dựng, bến xe Miền Đông cũ vẫn oằn mình quá tải. Ảnh: Công Sang
Trong khi chờ đợi bến xe mới được xây dựng, bến xe Miền Đông cũ vẫn oằn mình quá tải. Ảnh: Công Sang

Dự án không “bình yên”

Trước tình trạng chật chội và ùn ứ của bến xe Miền Đông tại quận Bình Thạnh và bến xe Miền Tây (quận Bình Tân, TP.HCM), tháng 7/2011, bản quy hoạch chi tiết 1/500 được UBND TP.HCM trình Bộ Xây dựng xin ý kiến để được chấp thuận xây dựng hai bến xe mới. Theo đó bến xe Miền Đông mới sẽ được xây dựng tại phường Long Bình, quận 9 và phường Bình Thắng,  thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, với diện tích khoảng 160.200 m2 và bến xe Miền Tây mới được xây dựng trên diện tích 11 ha (rộng gần gấp ba lần so với bến xe hiện hữu) tại Khu đô thị mới Nam thành phố, thay vì xây dựng tại xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh). Hai công trình trên được giao cho Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), với số vốn 5.000 tỷ đồng, trong đó, phần vốn dành cho bến xe Miền Đông sẽ là 1.500 tỷ đồng.

Sau khi được UBND TP.HCM giao làm chủ đầu tư Dự án, Samco đã chia Dự án bến xe Miền Đông làm 2 giai đoạn. Giai đoạn I cần 1.000 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục chính và 500 tỷ đồng để hoàn thiện trong giai đoạn II.

Với thiết kế bến xe mới sẽ có nhà ga chính cao tầng, gồm các phòng điều hành, phòng bán vé… Nhà ga này được xây dựng hiện đại với hệ thống nhà chờ và hệ thống thông tin về hành trình xe theo kiểu sân bay. Các doanh nghiệp vận tải được bố trí trong nhà ga để điều hành hoạt động xe chở khách; nắm bắt và xử lý kịp thời nhu cầu hành khách đi lại, thay vì thuê văn phòng xung quanh bến xe như hiện nay. Trong khu vực bến xe mới sẽ bố trí các cây xăng, siêu thị, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa và trung tâm đăng kiểm xe ôtô, phục vụ không chỉ hành khách đi xe mà cả cư dân ở khu vực.

Đồng thời, bến xe Miền Đông mới cũng đã được tính toán kết nối với các tuyến xe buýt, tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Hành khách từ các tỉnh về đến bến xe này có thể lựa chọn các loại phương tiện công cộng, metro để vào trung tâm thành phố hoặc về các quận, huyện vùng ven.

Nguồn vốn để thực hiện dự án này, theo dự kiến của Samco, sẽ được huy động qua xã hội hóa và từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Các nhà đầu tư sẽ được thuê trọn gói, hoặc một phần diện tích khu vực kinh doanh thương mại, dịch vụ và kho trung chuyển, giao dịch hàng hóa ở bến xe mới trong thời gian nhất định với đơn giá cố định.

Theo chủ đầu tư, để thực hiện Dự án, chủ đầu tư phải thực hiện đền bù và di dời 31 hộ dân và 5 doanh nghiệp nhà nước nằm trong diện đền bù giải tỏa với tổng kinh phí khoảng gần 900 tỷ đồng.

Tới năm 2015, Samco đã gửi văn bản trình UBND Thành phố xin được tự huy động vốn để xây dựng Dự án, nhưng đã thay đổi từ mức 1.500 tỷ đồng dự kiến đầu tư ban đầu lên lên 4.000 tỷ đồng. Sau đó, giữa tháng 8/2015, UBND TP.HCM đã chấp thuận đề nghị cho Samco được huy động vốn đầu tư xây dựng bến xe miền Đông mà không cần vốn từ ngân sách và vốn của chủ sở hữu.

Việc xây mới bến xe Miền Tây còn phức tạp hơn, sau nhiều năm được phê duyệt, nhưng không thể thực hiện, thì tháng 11/2014, UBND TP.HCM phải ra một văn bản chấp thuận việc thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho 20 ha tại khu E - Khu đô thị mới Nam Thành phố (xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh) để đầu tư xây dựng bến xe Miền Tây mới, thay vì xây dựng tại xã Tân Kiên như phê duyệt trước đó.

Chưa hẹn ngày về đích

Tới thời điểm này, cả hai dự án trên đều chưa hoàn thành việc giải tỏa. Đối với Dự án Bến xe Miền Đông, đại diện Samco, ông Nguyễn Xuân Điền, Phó giám đốc Marketing cho biết, Dự án vẫn còn vướng một doanh nghiệp nằm trong Dự án, do chưa thỏa thuận xong việc đền bù.

Dự kiến, đến tháng 4/2016, Samco sẽ làm lễ công bố Dự án và xin giấy phép xây dựng tường bao quanh, chứ chưa thể xây dựng các hạng mục chính.

“Dự án bến xe Miền Đông mới sẽ gắn kết với điểm cuối của tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên, nên hai dự án này sẽ được thực hiện cùng thời điểm”, ông Điền cho biết.

Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của phóng viên về thời điểm hoàn thành tuyến metro, ông Điền cho biết “chưa thể nói trước được khi nào metro xong”! Có nghĩa, cũng chưa thể biết, Dự án Bến xe Miền Đông khi nào được hoàn thành.

Có lẽ ông Điền chưa dám “chốt” ngày hoàn thành Dự án, bởi hiện tại, Samco vẫn chưa ký với bất cứ đối tác nào để cùng thực hiện Dự án, lý do là, đối tác còn phải thỏa mãn điều kiên để tham gia quản lý và phát triển các hạng mục của Dự án. “Thời điểm này Samco mới đang thảo thuận cùng Công ty Tokyu (Nhật Bản), nếu hai bên đạt được thỏa thuận, thì Tokyu sẽ đảm trách cả công đoạn tư vấn đầu tư xây dựng bến xe mới”, ông Điền cho biết thêm.

Đối với Dự án Bến xe Miền Tây mới, ông Điền cho biết, Dự án cũng đang thực hiện khâu đền bù giải tỏa, sau khi chuyển đổi địa điểm.

“Sau khi địa điểm mới được Thành phố chấp thuận, chúng tôi trình quy hoạch chi tết 1/500 và bắt đầu thực hiện đền bù giải tỏa. Dự án này cũng sẽ được xây dựng theo mô hình đa chức năng”, ông Điền nói.

Tuy nhiên, cũng như Dự án Bến xe Miền Đông, cả về thời điểm hoàn thành và tổng mức đầu tư, rất tiếc, đại diện Samco chưa thể cung cấp chính xác. Theo thông tin của chúng tôi, Samco vừa mới “nhờ” Trường Đại học Giao thông - Vận tải thiết kế phương án kết nối Dự án với hệ thống giao thông phía Tây Thành phố.

Như vậy, sau những trục trặc trong quá trình thực hiện, tới nay, hành khách tại hai bến xe cũ vẫn còn tiếp tục phải hứng chịu sự quá tải và quan trọng hơn, sau 5 năm kể từ ngày Dự án được phê duyệt, vẫn chẳng một ai dám chắc bao giờ tình trạng quá tải được chấm dứt .

Chuyên đề