Đơn giá, định mức lạc hậu rút ruột nhà thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Khan hiếm và bão giá vật liệu, quá trình thi công kéo dài do thiếu mặt bằng cùng hàng loạt khó khăn phát sinh trong thực tiễn đã đẩy nhiều nhà thầu vào tình cảnh kiệt quệ về tài chính. Không chỉ vậy, tình trạng định mức, đơn giá lạc hậu, không theo kịp thực tiễn khiến nhiều nhà thầu càng làm càng lỗ, không ít trường hợp phải bỏ cuộc giữa chừng.
Tình trạng định mức, đơn giá lạc hậu, không theo kịp thực tiễn khiến nhà thầu luôn đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Ảnh: Lê Tiên
Tình trạng định mức, đơn giá lạc hậu, không theo kịp thực tiễn khiến nhà thầu luôn đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Ảnh: Lê Tiên

Chia sẻ với phóng viên Báo Đấu thầu, ông Hoàng Khánh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ - Xây dựng Vũ Hùng cho biết, tháng 6/2022, Nhà thầu ký hợp đồng thi công đường giao thông và hạ tầng kỹ thuật cho Dự án Hạ tầng chung các công trình y tế tại TP. Cà Mau với giá 8,5 tỷ đồng, thời gian thi công 1 năm, hợp đồng trọn gói. Tuy nhiên, đến cuối năm 2023, vẫn chưa có đủ mặt bằng cho Nhà thầu thi công. Trong thời gian phải dừng thi công do chưa có mặt bằng, đội ngũ nhân sự đã nghỉ việc gần hết, hình thức hợp đồng trọn gói khiến Nhà thầu không được thanh toán các chi phí nhân công chênh lệch tăng cao, đơn giá vật liệu biến động mạnh. Nếu tiếp tục thực hiện thì Nhà thầu không đủ sức gánh thêm chi phí phát sinh nên buộc phải chấm dứt hợp đồng.

Lãnh đạo Tổng công ty Cơ khí xây dựng Thăng Long cho biết, Nhà thầu đang “mắc kẹt” tại Gói thầu Thi công cầu vượt nút giao Láng Hạ - Giảng Võ vì giá nhân công, vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao, trong khi vẫn thiếu mặt bằng thi công. Hợp đồng được ký từ tháng 12/2019, giá trúng thầu gần 160 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 17 tháng. Đơn giá, định mức của 4 năm về trước đến nay đã lỗi thời, làm chắc chắn là lỗ lớn. Nếu không phải là nhà thầu lớn và có tiềm lực tài chính ổn định thì chắc chắn đã “bỏ cuộc” từ lâu.

Ông Trần Trung Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Xây dựng Nguyên Trung chia sẻ, nhà thầu này phải bỏ dở hợp đồng thực hiện gói thầu làm đường giao thông nông thôn ở huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam mặc dù khối lượng thực hiện đã đạt hơn 80%. Gói thầu được ký hợp đồng vào cuối năm 2018, thời gian thực hiện 270 ngày, hợp đồng trọn gói, giá trúng thầu hơn 11 tỷ đồng. Trong thời gian thực hiện, chủ đầu tư không có nguồn lực, bố trí và thanh toán vốn cho công trình “nhỏ giọt” khiến quá trình thi công kéo dài, đơn giá, định mức nhân công, vật liệu tăng cao qua nhiều năm và quá sức chịu đựng của Nhà thầu.

Theo ông Phan Đình Quý, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1 Thanh Hóa, Nhà thầu thường xuyên phải mua đất đắp và cát xây dựng với mức giá chênh lệch lớn so với thông báo giá niêm yết của địa phương. Đây cũng là tình trạng chung của các nhà thầu ở khu vực miền Trung. Chẳng hạn, năm 2023, các cơ quan chức năng ở Thanh Hóa thông báo giá đất đắp là 35.000 đồng/m3, giá cát xây dựng là 250.000 đồng/m3, nhưng thực tế, nhà thầu phải mua đất đắp với giá 55.000 đồng/m3, giá cát xây dựng là 450.000 đồng/m3. Do khan hiếm đất đắp và cát xây dựng nên dù giá rất cao, nhà thầu vẫn phải ứng trước cho chủ mỏ để nhập hàng.

Lãnh đạo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Hà Nam cũng cho biết, Nhà thầu thường xuyên gặp khó khăn ở các gói thầu dịch vụ công bởi đơn giá, định mức nhân công thấp. Ở các khu vực đô thị và khu công nghiệp, Nhà thầu thường xuyên phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác để “giữ chân” người lao động. Công việc của các gói thầu dịch vụ công ích thường diễn ra trong môi trường khá khắc nghiệt và phức tạp, chịu rủi ro về sức khỏe và an toàn tính mạng nên Nhà thầu buộc phải có những chế độ phúc lợi hợp lý cho người lao động để họ có động lực làm việc và gắn bó với Công ty. Định mức nhân công hiện nay chi trả cho dịch vụ công ích thấp hơn so với thực tế trả lương người lao động. Nếu không được điều chỉnh chi phí nhân công, Nhà thầu khó tuyển được nhân lực có chất lượng để thực hiện các gói thầu.

Chia sẻ với phóng viên, một số nhà thầu cho biết, với đơn giá, định mức lạc hậu, phi thị trường như hiện nay, khó có thể thuê được nhân sự bảo đảm chất lượng để thực hiện gói thầu, nhất là trong bối cảnh tiến độ công trình liên tục được yêu cầu rút ngắn. Giá nhân công mà nhà thầu phải chi trả cho ca đêm, ngày nghỉ, lễ, tết cao hơn rất nhiều so với định mức phổ thông, nhưng hiện không có cơ chế để bù đắp loại chi phí này. Nhiều trường hợp đặt bút ký hợp đồng là đã nhìn thấy lỗ. Đó là chưa kể đến những rủi ro trong quá trình thi công như thiếu mặt bằng, dẫn đến thời gian thực hiện kéo dài, tăng thêm chi phí phát sinh. Trong các trường hợp này, với loại hợp đồng trọn gói và hợp đồng theo đơn giá cố định thì gánh nặng tài chính đối với nhà thầu là rất lớn. Nếu không kịp thời tháo gỡ những nút thắt này, chắc chắn trong thời gian tới, nhiều nhà thầu xây lắp sẽ phải rút lui khỏi thị trường xây dựng.

Bên cạnh khó khăn của nhà thầu, một thực tế đáng buồn là không ít nhân lực được đào tạo bài bản như kỹ sư giao thông, kỹ sư cầu đường đã rời ngành và chuyển hướng sang tìm công việc khác. Nguyên nhân là tình trạng một số doanh nghiệp xây dựng đã nợ lương, chậm lương, thậm chí là không có tiền để trả lương cho người lao động. Hiện nay, khi nhiều công trình giao thông lớn đươc đồng loạt triển khai, nhu cầu lao động chất lượng cao cho ngành xây dựng là rất lớn, nhưng việc huy động nhân lực rất khó khăn. Nếu “nút thắt” về đơn giá nhân công, về định mức thanh toán cho nhà thầu không kịp thời được tháo gỡ thì hệ lụy để lại cho nhà thầu xây dựng và xã hội sẽ rất lớn.

Chuyên đề