Đổi mới công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng: Doanh nghiệp trông chờ chính sách hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều doanh nghiệp vật liệu xây dựng (VLXD) đã, đang mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí, tài nguyên khoáng sản, năng lượng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khó khăn vẫn bộn bề và doanh nghiệp trông chờ có sự hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình này.
Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 6,5 - 7% vào GDP của Việt Nam. Ảnh: Tiên Giang
Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 6,5 - 7% vào GDP của Việt Nam. Ảnh: Tiên Giang

Theo PGS. TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, ngành công nghiệp VLXD giữ vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đóng góp khoảng 6,5 - 7% vào GDP của Việt Nam. Hầu hết sản phẩm VLXD của Việt Nam đều tham gia xuất khẩu, nên hội nhập là nhu cầu bắt buộc. Trước đây, tính cạnh tranh của VLXD chỉ thể hiện ở chất lượng và giá thành, nhưng nay, người mua hàng quan tâm đến cả trình độ sản xuất, sự phát thải ô nhiễm trong quá trình sản xuất, điều kiện lao động và trình độ quản lý của đơn vị sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu VLXD cần quan tâm đến cả những yếu tố này để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Nắm bắt xu thế này, nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD đã mạnh dạn đổi mới công nghệ sản xuất thân thiện môi trường. Ông Đỗ Xuân Thịnh, chuyên gia kỹ thuật của Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) cho biết, VICEM đã triển khai các chương trình nghiên cứu, sử dụng chất thải làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất, như sử dụng bùn thải thông thường từ sông, hồ, các ngành công nghiệp, khu công nghiệp… thay thế một phần nguyên liệu sét để tiết kiệm tài nguyên cũng như giảm áp lực do thiếu trữ lượng từ các mỏ nguyên liệu. VICEM cũng nghiên cứu sử dụng chất thải rắn công nghiệp thông thường (rác thải thông thường) làm nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker; tối ưu sản xuất, tăng cường sử dụng tro, xỉ trong sản xuất clinker và xi măng.

Tuy nhiên, ông Thịnh chia sẻ, VICEM phải mua rác thải thông thường để sử dụng và chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ, dẫn đến làm giảm hiệu quả khi thực hiện chương trình, nhiều lúc không mua được rác thải. Đối với tro, xỉ, VICEM chưa tiếp cận trực tiếp được nguồn cấp từ các nhà máy nhiệt điện, thép..., mà chủ yếu mua từ các đơn vị cung cấp thương mại với giá cao hơn, ảnh hưởng tới giá thành sản xuất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, chi phí cải tạo dây chuyền, thiết bị, đầu tư mới hệ thống xử lý chất thải, các thiết bị phụ trợ, đầu tư mới các thiết bị quan trắc, giám sát phát thải, kiểm soát các chỉ tiêu về môi trường… rất lớn, nhưng Chính phủ hiện nay vẫn chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng.

Đại diện VICEM khuyến nghị, Nhà nước sắp xếp nguồn vốn ưu đãi cho việc đầu tư thiết bị, máy móc phục vụ quá trình xử lý chất thải và hỗ trợ chi phí xử lý, vận chuyển đối với các chất thải đã, đang tồn đọng tại các bãi chứa thuộc địa phương đang quản lý. Xây dựng thị trường chất thải công nghiệp thông thường cạnh tranh, thực hiện trước tiên đối với các chất thải tại cụm, khu công nghiệp, làng nghề… với khối lượng chất thải lớn, cần phải xử lý ngay, trên cơ sở ưu tiên cho ngành công nghiệp xi măng...

Với mong muốn tạo ra “bước ngoặt” về công nghệ sản xuất gạch ốp lát, ông Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Trung Đô chia sẻ, doanh nghiệp đã đầu tư Nhà máy Trung Đô slab stone tại huyện Nghi Lộc - Nghệ An từ đầu năm 2021, gồm 2 dây chuyền sản xuất đá nung kết tấm lớn trên diện tích quy hoạch hơn 50 ha đất, đến nay đã đưa dây chuyền số 1 với công suất 1.500.000 m2/năm vào sản xuất. Nhà máy tạo ra gạch tấm lớn, giảm chiều dày gạch từ 30 - 50% so với gạch hiện có trên thị trường, giảm chi phí nguyên, nhiên liệu, tiêu hao điện năng chỉ bằng 1/8 lần tính trên 1 m2 sản phẩm. Công nghệ tiết kiệm năng lượng, tái chế sử dụng tức thì các sản phẩm lỗi, sử dụng năng lượng xanh…

Ông Nguyễn Hồng Sơn tin rằng, mục tiêu phát triển bền vững, đạt chỉ tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 hoàn toàn có thể đạt được nếu doanh nghiệp nhận được sự ủng hộ, khuyến khích và đồng hành của Nhà nước. Ông Sơn kỳ vọng Nhà nước có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa giúp doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi công nghệ sản xuất, nghiên cứu các giải pháp tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm ô nhiễm môi trường, tiếp cận với các tiêu chí sản xuất xanh. Đầu tư đổi mới công nghệ đòi hỏi một lượng vốn lớn nên rất cần những giải pháp hỗ trợ thiết thực về vốn tín dụng, ưu đãi lãi suất, thời hạn cho vay, thuế thu nhập doanh nghiệp… dành cho những doanh nghiệp, dự án đầu tư sử dụng công nghệ sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường. “Trong điều kiện khó khăn về vốn, lãi suất cao như hiện nay, doanh nghiệp càng cần sự hỗ trợ kịp thời”, ông Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ.

Chuyên đề