Doanh nghiệp phải ở trang đầu cuốn sổ tay hành động

(BĐT) - “Không có quốc gia hùng cường nếu không có doanh nghiệp (DN) hùng hậu, không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng thương hiệu nổi tiếng, không thể có DN tầm cỡ nếu thiếu cá nhân xuất sắc”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thông điệp này tại Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2019 với chủ đề “Phát triển mạnh mẽ DN - Hội nhập, hiệu quả, bền vững” diễn ra ngày 23/12, tại Hà Nội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của Nhà nước. Ảnh: Lê Tiên
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của Nhà nước. Ảnh: Lê Tiên

Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều trở ngại

Trước đông đảo đại diện DN, doanh nhân cùng các chuyên gia kinh tế, các bộ, ngành tham dự Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta vui mừng khi Việt Nam ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh, trở thành mũi nhọn tại một số ngành, lĩnh vực quan trọng; khu vực kinh tế nhà nước được củng cố, hiệu quả hơn với một chiến lược rõ ràng hơn. Đặc biệt, chúng ta vui mừng vì ngày càng có nhiều DN Việt Nam chuyển hướng đầu tư vào công nghệ sáng tạo, nâng cao giá trị. Nhiều DN, doanh nhân vượt khó đi lên. Tuy nhiên, Chính phủ cũng hiểu rằng, bên cạnh thành công, các DN Việt Nam còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển.

Chia sẻ khó khăn của DN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện vẫn còn khoảng 20 điểm chồng chéo trong quy định pháp luật chuyên ngành về đầu tư kinh doanh đang “bó chân, bó tay” DN. Tồn tại này dù đã được các bộ, ngành, địa phương, DN thừa nhận, song việc giải quyết vẫn rất chậm trễ. “Nếu tháo gỡ được chồng chéo này, tăng trưởng kinh tế sẽ không chỉ ở mức 7% mà thậm chí là 8 - 9% nhờ huy động được nhiều nguồn lực đầu tư”, ông Lộc nhìn nhận.

Trăn trở với khó khăn của DN, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ, còn 55% DN vẫn phải trả chi phí không chính thức; cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất đạt tỷ lệ thấp, có tới 1/3 số DN bị kiểm tra 1 lần/năm, riêng năm 2019 cả nước có 19% DN bị thanh kiểm tra 2 lần trở lên.

Bên lề Hội nghị, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Hợp Lực, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa - đánh giá, bên cạnh một số bộ, ngành trung ương đã vào cuộc một cách tích cực trong việc tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN thì vẫn còn nhiều đơn vị thờ ơ, khiến DN nản lòng mở rộng sản xuất kinh doanh... 

Thông tin về tình hình phát triển DN, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) chỉ ra, hệ thống thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sách và quản lý nhà nước đối với DN còn nhiều tồn tại và bất cập; chất lượng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực chất, chưa đáp ứng được yêu cầu… 

Sẽ ban hành nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, sự lớn mạnh của DN không thể thiếu vai trò của Nhà nước, ngược lại, sự yếu kém của DN chắc chắn có phần trách nhiệm của Nhà nước. Tại Hội nghị này, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cần vào cuộc để giải quyết các “nút thắt” phát triển DN.

“Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu có 1 triệu DN và đến nay chúng ta đã có trên 800.000 DN. Chúng ta phải phấn đấu thực hiện các giải pháp để đạt mục tiêu này, song cũng phải đặc biệt quan tâm đến chất lượng DN”, Thủ tướng chỉ đạo.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, giải pháp về phát triển kinh tế tư nhân, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả đầu tư theo các nghị quyết của Đảng và Chính phủ.

Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan xây dựng một nghị quyết của Chính phủ về định hướng phát triển DN trong thời gian tới để xử lý những bất cập, tồn tại.

Thủ tướng cũng nhắc lại thông điệp, trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của DN phải nằm ở trang đầu quyển sổ tay hành động của lãnh đạo. Đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước phải loại đi những cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh do tham nhũng, tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém, làm mất thời gian, cơ hội đầu tư của DN…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã đề xuất 5 việc cần làm để phát triển mạnh mẽ DN.

Trước hết, cần có cơ chế chính sách tập trung phát triển DN nhằm hình thành lực lượng DN có quy mô lớn, đóng vai trò chủ lực trong nền kinh tế, tạo ra các sản phẩm chiến lược của quốc gia, khẳng định được thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Thứ hai, cần đẩy mạnh cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lấy sản xuất, chế biến chế tạo là trọng tâm trên cơ sở tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để tái cấu trúc DN theo hướng bền vững, sáng tạo, từ đó tạo nên các ngành chủ lực quốc gia. Đồng thời, cần có khát vọng tạo ra các sản phẩm được làm bởi các DN Việt Nam, phát triển bởi con người Việt Nam, tạo thành xu hướng chuyển dịch từ “Made in Vietnam” tiến tới “Made by Vietnam”.

Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện chính sách đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, có tay nghề giỏi, kiến thức chuyên môn sâu, trình độ quốc tế và kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp.

Thứ tư, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước trong phát triển DN. Đặc biệt là việc đảm bảo quyền đối với nhà đầu tư cần tiếp tục được tăng cường để ngày càng khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động kinh doanh, không hình sự hóa các hoạt động kinh tế nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ năm, chính cộng đồng DN cũng cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ; chuẩn hóa sản xuất kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu, tiêu chí của các thị trường quốc tế…

Chuyên đề