Doanh nghiệp lo ngại chi phí không chính thức

(BĐT) - Trong số các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015 thì có tới hơn một nửa (58%) DN thua lỗ hoặc hòa vốn. Số DN gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 4 tháng đầu năm nay cũng lên tới 25.135 DN. Theo GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài, đó là những số liệu đáng suy ngẫm về tình hình “sức khỏe” của DN.
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ
Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ

Nhiều ý kiến cho rằng, DN giải thể nhiều là điều bình thường và lẽ tự nhiên trong nền kinh tế thị trường. Ông đánh giá thế nào về nhận định này?

Từ khi có Luật DN đến hiện tại, chúng ta có 941.000 DN đăng ký mới nhưng thực chất chỉ có khoảng 550.000 DN hiện đang hoạt động. Điều đó có nghĩa là có khoảng hơn 400.000 DN trong vòng 15 năm (2001 - 2015) đăng ký nhưng đã giải thể và ngừng hoạt động. Con số này nhiều người cho là bình thường, nhưng theo tôi, có những DN giải thể là bình thường nhưng cũng có rất nhiều DN giải thể là bất bình thường.

4 tháng đầu năm nay có trên 25.135 DN tạm ngừng hoạt động, giải thể. Con số đó so với số lượng 34.721 DN mới ra đời rõ ràng chênh lệch rất ít. Con số này không bình thường. Theo tôi, các nhà thống kê, hoạch định chính sách nên đi sâu phân tích chứ không nên chỉ công bố con số chung chung đó. Cần phân tích cụ thể vùng nào, ngành gì mà DN khó khăn không thể tồn tại được.

Chúng ta đang hy vọng sẽ có khoảng vài triệu DN để phát triển đất nước. Tôi hy vọng đến năm 2020 là 1 triệu DN, nhưng nếu cứ 945.000 DN ra đời, lại có một nửa số DN ngừng hoạt động thì không biết đến bao giờ mới có được 1 triệu hay vài triệu DN.

Doanh nghiệp lo ngại chi phí không chính thức ảnh 1
GS.TS Nguyễn Mại
Các DN hoạt động trong môi trường kinh doanh của Việt Nam lo ngại điều gì nhất, thưa ông?

Tôi rất đồng tình với một số nhận định cho rằng, chi phí sản xuất của DN và những đóng góp của DN cho ngân sách nhà nước tại Việt Nam là không cao so với các quốc gia lân cận. Thực tế, đóng góp từ thuế, chi phí của DN Việt Nam khoảng 17 - 18%. Nhưng điều đáng lo nhất của các DN hiện nay lại là chi phí “ngầm”, chi phí không chính thức, vì các loại chi phí này không ai có thể đo đếm được.

Tôi đã từng trao đổi với lãnh đạo một DN bất động sản, vị này cho biết, sẵn sàng bỏ chi phí “bôi trơn” từ 500 triệu, 1 tỷ hoặc 2 tỷ đồng còn hơn mất công đến 50 cơ quan lấy 50 con dấu mới có thể ra đời một dự án bất động sản. Nếu không “bôi trơn”, thời gian của việc đó có thể mất đến 2 năm và chi phí trả lãi cho ngân hàng có thể còn hơn 2 tỷ đồng nhiều lần.

Do đó, chi phí không chính thức là điều rất đáng lo ngại hiện nay. Chi phí này làm cho giá vốn, giá chi phí sản phẩm của DN tăng. Nguy cơ cao hơn là không minh bạch, không công khai được nên mất lòng tin của DN, nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài. Không ai dám bỏ vốn vào đầu tư khi mà không biết chi phí không chính thức là bao nhiêu để có thể dự báo được khả năng thu hồi vốn như thế nào, có lãi không để đầu tư.

Như vậy, ngay lúc này chúng ta cần hỗ trợ phát triển những DN đang hoạt động?

Theo tôi, với DN đang hoạt động, Nhà nước nên chú ý hỗ trợ đối tượng DN là các tập đoàn kinh tế để họ mạnh lên, cạnh tranh trong hội nhập khi AEC mở cửa tự do về hàng hóa và dịch vụ, để các tập đoàn kinh tế vươn ra được thị trường thế giới.

Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Tôi kỳ vọng khung chính sách hỗ trợ này không chỉ là vấn đề chung mà tập trung vào những hỗ trợ cần thiết. Năm 2015, tăng trưởng tín dụng đạt 17%. Nhưng với 95% DN nhỏ và vừa, theo tôi biết chỉ tiếp cận được khoảng 25% khoản tín dụng đó. Tiếp xúc vốn của DN nhỏ và vừa đang vô cùng khó khăn.

Hiện nay, ngoài tín dụng, DN còn được hỗ trợ bằng các quỹ hỗ trợ của Nhà nước như Quỹ hỗ trợ DN, Quỹ phát triển khoa học công nghệ... Tuy nhiên, nhiều DN cho biết, mặc dù có thông tin nhưng trên thực tế các quỹ này giải ngân rất chậm và rất ít. 

Chúng ta cần phải làm gì để DN có thể tiếp cận được các quỹ hỗ trợ này?

Tôi cho rằng, khi lập các quỹ hỗ trợ DN, chúng ta phải mời DN đến, khảo sát DN, bàn với họ cách nhanh nhất để giải ngân vốn từ quỹ cho các DN, sau đó hướng dẫn họ thực hiện một cách có hiệu quả. Sau một khoảng thời gian thực hiện, cần tổng kết, rút kinh nghiệm để có những bổ sung điều lệ cho sát thực tế. Khi đó, các quỹ hỗ trợ DN mới phát huy tác dụng.

Chuyên đề