Doanh nghiệp dệt may: Bất lợi về thị trường, xuất khẩu gặp khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Mặc dù kết quả kinh doanh tăng trưởng cao trong 9 tháng đầu năm 2022, nhưng ngay trong tháng 9, những bất lợi về thị trường đã xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp tới hầu hết các doanh nghiệp dệt may. Vì vậy, sản xuất kinh doanh trong thời gian tới được dự báo rất khó khăn.
Kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 9 đạt 3,2 tỷ USD, giảm 1,3 tỷ USD so với tháng 8/2022. Ảnh: Tiên Giang
Kim ngạch xuất khẩu dệt may tháng 9 đạt 3,2 tỷ USD, giảm 1,3 tỷ USD so với tháng 8/2022. Ảnh: Tiên Giang

Một số doanh nghiệp dệt may đã công bố kết quả kinh doanh quý III/2022 và 9 tháng đầu năm nay cho thấy kết quả khả quan. Có thể kể đến Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG với doanh thu bán hàng trong quý III đạt 2.017 tỷ đồng và 129,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 18% và 24,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG lãi trước thuế 284,1 tỷ đồng, tăng trưởng 39,7%.

Cũng có kết quả kinh doanh “thắng lớn” là Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công với doanh thu quý III/2022 đạt 1.229 tỷ đồng (tăng trưởng 57,1%), lợi nhuận trước thuế đạt 115,4 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2021 lỗ 2,2 tỷ đồng). Sau 9 tháng, Công ty lãi trước thuế 275,8 tỷ đồng, tăng trưởng 85%. Tổng công ty CP Dệt may Hòa Thọ lãi trước thuế quý III đạt 90,7 tỷ đồng (tăng trưởng 60,2%), lũy kế 9 tháng đạt 260,7 tỷ đồng (tăng 141,6% so với cùng kỳ năm 2021).

Với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), sau 9 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn ước đạt 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế ước đạt 1.150 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vinatex cho biết, từ tháng 8/2022, lượng đơn hàng may giảm do cầu thế giới giảm, đặc biệt tại 2 thị trường Mỹ và EU; tiến độ cung ứng nguyên phụ liệu chậm dưới tác động của chính sách zero Covid của Trung Quốc, khủng hoảng logistics, lao động biến động...

Dựa trên kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2022 có thể thấy, trong quý III/2022, Vinatex ghi nhận khoảng 4.393 tỷ đồng doanh thu bán hàng và khoảng 168 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm mạnh so với con số 316,1 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.

Vinatex cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Tập đoàn 9 tháng đầu năm đạt 1.401 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, từ tháng 8, lượng đơn hàng may giảm do cầu thế giới giảm, đặc biệt tại 2 thị trường Mỹ và EU - những thị trường chính của dệt may Việt Nam; tiến độ cung ứng nguyên phụ liệu chậm dưới tác động của chính sách zero Covid của Trung Quốc, khủng hoảng logistics, lao động biến động... Thị trường may xuất khẩu được dự báo sẽ trầm lắng đến hết quý IV/2022 và kéo dài sang năm 2023. Dự kiến quý IV/2022, doanh thu ngành may sẽ chững lại, chỉ bằng 20% kim ngạch xuất khẩu dự kiến cả năm. Vì vậy, hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý IV chắc chắn sẽ rất nhiều khó khăn.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, nếu như tháng 8/2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4,5 tỷ USD, thì trong tháng 9 con số này chỉ đạt 3,2 tỷ USD, dù vẫn tăng 11% so với tháng 9/2021 nhưng thấp hơn 15% so với mức bình quân theo tháng trong 8 tháng đầu năm 2022. Lũy kế 9 tháng 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 34,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2021. Ngoài tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc, tháng 9 đánh dấu lần đầu tiên trong năm 2022, xuất khẩu dệt may đi Mỹ - thị trường chiếm 36,1% tổng trị giá xuất khẩu dệt may Việt Nam - giảm 10% so cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng của ngành dệt may trong thời gian tới được Công ty CP Chứng khoán SSI đánh giá là khó khăn. Về đơn đặt hàng, đơn vị này cho rằng các công ty dệt may gặp khó khăn từ quý IV/2022 cho đến 6 tháng đầu năm 2023 do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng. Kỳ vọng lượng đơn đặt hàng sẽ cải thiện vào cuối quý II hoặc quý III năm 2023 nếu lạm phát giảm. Trong đó, tác động sẽ nghiêm trọng hơn đối với những doanh nghiệp có khách hàng chủ yếu ở Mỹ và EU so với những doanh nghiệp có lượng khách hàng lớn ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Chuyên đề