Doanh nghiệp cần chủ động chuyển đổi sang mô hình kinh doanh tuần hoàn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Mô hình kinh doanh tuần hoàn: Kinh nghiệm quốc tế và áp dụng tại Việt Nam” tổ chức ngày 19/8, các ý kiến khuyến nghị doanh nghiệp (DN) cần chủ động xây dựng các chiến lược dài hạn đối với việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn để nắm bắt cơ hội mới.
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được trách nhiệm xã hội và xây dựng các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn. Ảnh minh họa: Internet
Hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được trách nhiệm xã hội và xây dựng các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn. Ảnh minh họa: Internet

Báo cáo cho thấy, kinh doanh theo hướng tuần hoàn đang trở thành một xu hướng trên phạm vi toàn cầu và được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

Tại Việt Nam, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã đề ra định hướng xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường và khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất. Chiến lược cũng đề ra nhiệm vụ xây dựng lộ trình, cơ chế chính sách, pháp luật để hình thành, vận hành mô hình kinh tế tuần hoàn. Cụ thể hoá các chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/6/2022 phê duyệt Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Trên thực tế, Việt Nam có nhiều DN chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn trên cơ sở các quy định và chính sách về phát triển bền vững như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp,…

Nhiều DN đã nhận thức được trách nhiệm xã hội và xây dựng các mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn như: Vinamilk, Nestle, Coca Cola, Lagom Việt Nam, Hoá chất Đức Giang… Trong lĩnh vực tái chế, nhiều mô hình kinh doanh tuần hoàn đã được vận hành và đem lại những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, Báo cáo cũng nêu rõ, việc thực hiện mô hình kinh doanh tuần hoàn ở Việt Nam cũng gặp những khó khăn liên quan đến: Nguồn lực, công nghệ, thị trường,… Cùng với đó, nhận thức về kinh tế tuần hoàn và mô hình kinh doanh tuần hoàn chưa thống nhất; khung pháp luật chưa đầy đủ, rõ ràng và đồng bộ; năng lực và nguồn lực của doanh nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Trong khi đó, bối cảnh quốc tế và trong nước được dự báo mang tới những cơ hội với phát triển kinh tế tuần hoàn và kinh doanh trong kinh tế tuần hoàn để đạt mục tiêu phát triển bền vững.

Nhằm tận dụng được những cơ hội cũng như hạn chế những khó khăn, thách thức khi hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Báo cáo cũng như nhiều ý kiến tại Hội thảo khuyến nghị, các DN cần chủ động xây dựng các chiến lược dài hạn đối với việc chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh doanh theo hướng tuần hoàn.

Một số giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn nói chung và kinh doanh tuần hoàn nói riêng cho các DN cũng được đề xuất như: Tăng cường nhận thức về kinh tế tuần hoàn, kinh doanh tuần hoàn; hoàn thiện khung thể chế, pháp luật có liên quan; xây dựng hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn, đặc biệt là bộ tiêu chí đo lường mức độ kinh doanh tuần hoàn của các DN…

Chuyên đề