Điểm nghẽn nguồn tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một số chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được xây dựng và thực hiện nhưng hiệu quả rất kém. Điều này gây lãng phí nguồn lực thực thi và giảm niềm tin vào hiệu quả điều hành kinh tế - xã hội. Vì thế, cần xem xét lại công tác thiết kế chính sách hỗ trợ tín dụng, đồng thời, đánh giá tổng thể về các quỹ bảo lãnh tín dụng để tháo gỡ các vướng mắc và tái cơ cấu hoạt động của các quỹ này trong thời gian tới.
Một số chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được xây dựng và thực hiện nhưng hiệu quả rất kém. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Một số chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp đã được xây dựng và thực hiện nhưng hiệu quả rất kém. Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đánh giá về gói 40 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất 2% theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được triển khai trong năm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định là hiệu quả thấp và chưa như kỳ vọng. Tính đến cuối tháng 12/2022, số tiền lãi đã hỗ trợ chỉ đạt khoảng 135 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do khách hàng đủ điều kiện thì từ chối nhận hỗ trợ, khách hàng muốn nhận hỗ trợ lại không đáp ứng điều kiện hoặc có tâm lý e ngại hoạt động thanh, kiểm tra sau này”…

Trong khi đó, các quỹ bảo lãnh tín dụng cũng hoạt động không hiệu quả. Theo bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế thuộc NHNN, dư nợ tín dụng có bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng các địa phương tăng từ 411 tỷ đồng năm 2016 lên 648 tỷ đồng năm 2017, sau đó giảm dần qua các năm 2018 - 2022. Về Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), đến nay chưa phát sinh cho vay trực tiếp đối với DNNVV. Mặt khác, khi tiếp cận nguồn vốn này gián tiếp qua các tổ chức tín dụng, ngoài việc đáp ứng các điều kiện cho vay, DNNVV phải chịu chi phí vốn cao hơn so với vay trực tiếp.

Mới đây, 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã cam kết dành 120 nghìn tỷ đồng để cho vay mua nhà ở xã hội với lãi suất thấp hơn lãi suất cho vay bình quân của 4 ngân hàng từ 1,5 - 2 điểm phần trăm. Song, nhiều ý kiến tiếp tục hoài nghi về hiệu quả của gói hỗ trợ này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, doanh nghiệp không mặn mà với các gói hỗ trợ nêu trên bởi họ cần nguồn tín dụng thực chất. “Gói 120 nghìn tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội thực chất là tín dụng thương mại. Với mức lãi suất cho vay hiện nay khoảng 13%, việc giảm 1,5 - 2 điểm % thì lãi suất vẫn ở mức quá cao, người vay mua nhà ở xã hội sẽ không dám tiếp cận, hiệu quả của gói tín dụng này sẽ không cao. Người đủ tiêu chuẩn không muốn vay, người không đủ tiêu chuẩn thì ngân hàng không dám cho vay”, ông Hiếu nói.

Thay vào đó, theo ông Hiếu, chúng ta cần một gói tín dụng được ngân sách nhà nước tái cấp vốn với lãi suất khoảng 3% và cho vay ra 5% như gói 30.000 tỷ của NHNN trước đây. Đồng thời, cần tái cơ cấu các quỹ bảo lãnh tín dụng hiện nay thành quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân một cách thực chất.

“Nhiều nước trên thế giới đã triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng và hỗ trợ rất tốt cho doanh nghiệp. Nguồn vốn sử dụng là từ ngân sách nhà nước, bộ máy vận hành quỹ có năng lực thẩm định và chịu trách nhiệm triển khai. Quỹ bảo lãnh thẩm định hồ sơ tín dụng của doanh nghiệp và yêu cầu ngân hàng cho vay. Trong trường hợp doanh nghiệp không trả được nợ thì quỹ bảo lãnh tín dụng sẽ phải trả thay. Cách làm này có rủi ro nhất định nên cần cơ chế kiểm soát tốt, song vẫn có thể triển khai nếu có các tiêu chí cụ thể về cho vay và mức độ chịu trách nhiệm của cá nhân và tập thể hợp lý”, ông Hiếu nói.

Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, hầu hết các quỹ bảo lãnh tín dụng hoạt động chưa hiệu quả do vướng mắc về cơ chế, do đó, cần đánh giá toàn diện để có giải pháp tháo gỡ để các quỹ này vận hành hiệu quả. Mặt khác, nên xem lại cách thức triển khai gói 120 nghìn tỷ đồng để tránh tình trạng đặt ra mà không khả thi.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường Tài chính, Đại học Kinh tế TP.HCM, cần nhìn nhận cụ thể về hiệu quả các gói hỗ trợ tín dụng để cân nhắc trước khi triển khai, tránh tình trạng kém hiệu quả gây lãng phí nguồn lực xây dựng và thực thi chính sách, làm giảm niềm tin vào các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Về gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội, theo ông Huân, nên giảm lãi suất xuống mức 7 - 8%/năm và cố định lãi suất trong vòng 10 - 15 năm. Đồng thời, cần giảm các thủ tục hành chính trong thực thi chính sách hỗ trợ để người dân và doanh nghiệp không ngại ngần vay vốn. “Trong giai đoạn bị ảnh hưởng bởi Covid-19, để được hỗ trợ tín dụng, doanh nghiệp phải có xác nhận thiệt hại vì Covid-19 do địa phương cấp. Trong khi đó, chính quyền địa phương trả lời là chỉ quản lý về hành chính chứ không thể tính toán về thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp. Đây là một ví dụ về tình trạng thiết kế chính sách nhưng không lường trước khả năng triển khai”, ông Huân nhấn mạnh.

Chuyên đề