Đẩy nhanh tiến độ đấu thầu tại dự án ODA

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Để thúc đẩy tiến độ, nâng cao hiệu quả dự án sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, một số quy định của Luật Đấu thầu đã được sửa đổi. Các quy định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/3/2022, được đánh giá sẽ tháo “nút thắt” về thủ tục để đẩy nhanh giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Việc thực hiện một số thủ tục đấu thầu trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA. Ảnh: Lê Tiên
Việc thực hiện một số thủ tục đấu thầu trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi giúp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA. Ảnh: Lê Tiên

Báo cáo giải ngân vốn đầu tư công của các địa phương năm 2021 cho thấy, việc triển khai thực hiện nguồn vốn ODA tại nhiều tỉnh, thành phố đạt rất thấp. Theo phản ánh của các địa phương, việc triển khai dự án ODA chậm chủ yếu do thủ tục về đầu tư, đấu thầu các dự án ODA thường kéo dài.

Cụ thể, theo quy định tại Luật Đấu thầu, kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với các dự án ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài chỉ có thể được phê duyệt sau khi điều ước, thỏa thuận quốc tế đã được ký kết và có hiệu lực. Căn cứ kế hoạch lựa chọn nhà thầu, chủ đầu tư mới có thể triển khai các hoạt động tiếp theo. Đối với các dự án ODA, thông thường hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu còn phải gửi cho nhà tài trợ để xem xét, cho ý kiến không phản đối trước khi thực hiện, quá trình này mất nhiều thời gian.

Một số bên mời thầu cho biết, việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời thầu tại các dự án ODA thường mất tối thiểu từ 4 - 6 tháng. Trên thực tế, thời gian làm các thủ tục này còn tùy thuộc từng dự án cụ thể. Chẳng hạn như tại Dự án Xây dựng hệ thống đường sắt đô thị tại TP.HCM, thời gian lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu và chuẩn bị hồ sơ mời thầu kéo dài hàng năm. Tình trạng này dẫn đến thời gian dành cho việc triển khai thi công xây lắp, cung cấp hàng hóa, dịch vụ bị rút ngắn. Chính vì vậy, phần lớn các dự án ODA thời gian qua phải xin gia hạn thời gian thực hiện và gia hạn hiệp định, dẫn đến phải điều chỉnh tổng mức đầu tư. Ngoài ra, dự án ODA chậm thực hiện cũng ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, đó là chưa kể chi phí cam kết phát sinh mà Việt Nam phải trả.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ngày 10/6/2021, 6 ngân hàng/nhà tài trợ vốn vay (Ngân hàng Phát triển châu Á, Ngân hàng Thế giới, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Tái thiết Đức, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc) đã có văn bản đề xuất quy định cụ thể các hoạt động được phép thực hiện trước đối với dự án ODA và vốn vay ưu đãi. Các nhà tài trợ cho rằng, việc cho phép triển khai hoạt động thực hiện trước sẽ rút ngắn thời gian giải ngân khoản vay đầu tiên của dự án ODA được ít nhất là 1 năm tính từ khi phê duyệt khoản vay. Do đó, việc lập, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi là cần thiết để có thêm thời gian chuẩn bị thực hiện dự án. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ giải ngân, hoàn thành dự án theo đúng thời hạn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Khoản 1 Điều 5 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật đã sửa đổi một số nội dung của Luật Đấu thầu, quy định các hoạt động thực hiện trước đối với dự án ODA, vốn vay ưu đãi. Cụ thể, việc lập, trình duyệt, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm của các dự án ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Chuyên đề