Cài cắm “giấy phép con” trong hồ sơ mời thầu

(BĐT) - Phản ánh của nhiều nhà thầu cho thấy tình trạng “giấy phép con” trong hồ sơ mời thầu (HSMT) đang khá phổ biến. Những tiêu chí gây tranh cãi về việc hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu thường mang tính cục bộ, địa phương. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Tường Lâm

Nhà thầu tố bị hành bởi “giấy phép con”

Một số gói thầu được tổ chức lựa chọn nhà thầu qua mạng thời gian vừa qua bị nhà thầu phản ánh có tình trạng E-HSMT đưa ra nhiều tiêu chí có biểu hiện hạn chế cạnh tranh. Cụ thể, nhiều yêu cầu bắt buộc nhà thầu phải cung cấp các văn bản xác nhận của cơ quan chính quyền địa phương sở tại về việc đủ điều kiện hoặc được cấp một loại giấy phép nào đó để thực hiện gói thầu. Theo các chuyên gia, đây là một dạng “giấy phép con” gây khó nhà thầu.

Đơn cử, Gói thầu Duy trì cây xanh, thảm cỏ và tua quét, gom rác, xử lý rác Công viên huyện Núi Thành 3 tháng cuối năm 2019 do Đội Quy tắc và Quản lý công trình công cộng huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) làm chủ đầu tư, áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước, lựa chọn nhà thầu qua mạng. Thời gian phát hành E-HSMT từ ngày 11 - 21/12/2019. Theo phản ánh của một số nhà thầu, E-HSMT đưa ra tiêu chí gây hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu.

Cụ thể, E-HSMT yêu cầu: Có tài liệu chứng minh được sở hữu bãi xử lý rác thải hoặc lò đốt rác được cơ quan chức năng cấp phép hoặc có hợp đồng thuê bãi xử lý rác thải hoặc lò đốt rác được cơ quan chức năng cấp phép (kèm theo bản sao công chứng giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền) với đơn vị sở hữu.

“Việc đưa ra các yêu cầu nói trên không khác nào ép phải có thêm giấy phép con thì nhà thầu mới được dự thầu”, một nhà thầu khẳng định.

Ở một ví dụ khác, E-HSMT Gói thầu Xây dựng kè chống sạt lở sông Ia Sol đoạn qua thị trấn Phú Thiện, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) làm bên mời thầu (BMT) cũng gặp kiến nghị tương tự. Theo đó, E-HSMT yêu cầu: “Nhà thầu phải nộp cùng với hồ sơ dự thầu (E-HSDT) biên bản chấp thuận chất đổ thải của công trường có xác nhận của chính quyền địa phương”. Nhà thầu kiến nghị cho rằng, tiêu chí này mang tính cục bộ, địa phương, hạn chế sự tham gia rộng rãi của nhà thầu.

Nơi điều chỉnh, nơi không

Ngày 19/12/2019, phóng viên Báo Đấu thầu trao đổi với Đội Quy tắc và Quản lý công trình công cộng huyện Núi Thành về tiêu chí nêu trên trong E-HSMT. Đại diện đơn vị này khẳng định: “Mới nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu và sẽ có ngay văn bản phúc đáp. E-HSMT đúng là có yêu cầu như vậy và xuất phát từ tính chất của gói thầu bắt buộc nhà thầu phải có bãi xử lý chất thải. Tuy nhiên, do E-HSMT chỉ quy định là “sở hữu” nên đã gây ra những hiểu nhầm như trên của nhà thầu. Chúng tôi sẽ chấp nhận cả phương án nhà thầu có văn bản chấp thuận được thuê bãi xử lý chất thải, không bắt buộc hoàn toàn phải sở hữu”.

Đây là một động thái xử lý phù hợp của BMT trước kiến nghị của nhà thầu. Trong khi đó, sau khi tiếp nhận kiến nghị về E-HSMT Gói thầu Xây dựng kè chống sạt lở sông Ia Sol đoạn qua thị trấn Phú Thiện, BMT đã có văn bản trả lời kiến nghị  với quan điểm bảo lưu nội dung của E-HSMT.

Theo BMT, yêu cầu về biên bản chấp thuận chất đổ thải của công trường như trong E-HSMT là căn cứ theo Thông tư số 08/2017/TT/BXD của Bộ Xây dựng về quản lý chất thải rắn xây dựng. Theo Thông tư này, khi tiến hành thi công xây dựng công trình, chủ nguồn thải phải bố trí thiết bị hoặc khu vực lưu giữ chất thải xây dựng trong khuôn viên công trường hoặc tại địa điểm theo quy định của chính quyền địa phương. “Do đó, yêu cầu biên bản chấp thuận đổ thải phải có xác nhận của chính quyền địa phương là hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật”, BMT bảo lưu quan điểm.

Phản bác lại lập luận này của BMT, Nhà thầu kiến nghị khẳng định: “Trả lời như vậy là đẩy cái khó cho nhà thầu ngay từ khâu mời thầu và tự đưa ra những tiêu chí đi ngược lại với tinh thần của Chỉ thị số 47/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Chuyện nhà thầu có sắp xếp được địa điểm đổ chất thải hay không, vị trí như thế nào sẽ ở giai đoạn thương thảo hợp đồng và sau khi được công bố trúng thầu. Nếu xảy ra chuyện địa phương đó chỉ cấp văn bản chấp thuận đổ thải cho một nhà thầu “quen” mà từ chối những nhà thầu khác thì hoàn toàn không còn tính cạnh tranh”.

Những câu chuyện tương tự như trên đang dẫn tới nhiều luồng tranh cãi giữa BMT và các nhà thầu. Và khi xảy ra kiến nghị, không phải BMT nào cũng có động thái điều chỉnh hoặc làm rõ HSMT để tạo thuận lợi cho các nhà thầu. Không ít HSMT có quy định như: “phải có mỏ đá cách công trường 30 km”, “phải có phòng kiểm nghiệm vật liệu xây dựng trong phạm vi 50 km từ chân công trường”… Các quy định này đã trở thành những “giấy phép con” khi trực tiếp hạn chế sự tham gia của đông đảo các nhà thầu, đặc biệt là các nhà thầu đến từ địa phương khác.

Trong khi đó, các BMT lại cho rằng, đưa ra các tiêu chí đó là do yêu cầu của gói thầu, để kiểm soát tốt chất lượng của đơn vị thi công, tăng tính chủ động trong các phương án thi công...

Chuyên đề