Đa dạng phương thức thanh toán dự án BT

(BĐT) - Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất tạm dừng từ ngày 1/1/2018. 5 dự án BT mới đây của Hà Nội cũng phải dừng để chờ Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. 
TP.HCM đề xuất thanh toán cho nhà đầu tư BT các cầu vượt bộ hành bằng việc cho phép gắn các tấm quảng cáo điện tử bên thành cầu. Ảnh: Phước Tuấn
TP.HCM đề xuất thanh toán cho nhà đầu tư BT các cầu vượt bộ hành bằng việc cho phép gắn các tấm quảng cáo điện tử bên thành cầu. Ảnh: Phước Tuấn

Nghị định này chưa được ban hành, nhưng theo Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có thể thanh toán dự án BT bằng nhiều phương thức khác.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị UBND TP. Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Chỉ đạo này được đưa ra sau khi UBND TP. Hà Nội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án về hạ tầng giao thông theo hình thức BT, thanh toán bằng quỹ đất cho các nhà đầu tư. Cụ thể, đó là các dự án: Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đê sông Hồng đến Khu đô thị mới C2 - Gamuda Gardens; Xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật 5 tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu dân cư, đô thị thuộc địa bàn quận Hà Đông; Xây dựng tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên, đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường Vành đai 2,5; Xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2 đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng đoạn đường phía dưới từ Vĩnh Tuy đến Ngã tư Vọng; Xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 (quận Thanh Xuân, Hà Nội).

Trước đó, ngày 28/3/2018, Bộ Tài chính đã có công văn gửi các bộ, ngành, địa phương hướng dẫn xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công. Trong văn bản này, Bộ Tài chính yêu cầu, kể từ ngày 1/1/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT cho đến khi nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành.

Theo Bộ Tài chính, căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, từ ngày 1/1/2018 đã không còn áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hợp đồng BT. Vì vậy, để xử lý các vấn đề liên quan trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa được ký ban hành, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi có nghị định hướng dẫn.

Hiện Dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ, đang ở những bước hoàn thiện cuối cùng và dự kiến sẽ sớm được ban hành.      

Trước đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 63/2018/NĐ-CP (NĐ 63) với những thay đổi, bổ sung theo hướng quản lý chặt chẽ hơn đối với dự án BT.

Trong bối cảnh quỹ đất ngày càng ít, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia đầu tư công trình kết cấu hạ tầng mà không có nhu cầu hay lợi thế, kinh nghiệm trong khai thác quỹ đất, nhiều địa phương kiến nghị áp dụng các hình thức thanh toán cho nhà đầu tư BT từ quyền kinh doanh các dự án thương mại khác. Ví dụ như TP.HCM đề xuất cho phép xây dựng các cầu vượt bộ hành theo hình thức BT, Nhà nước thanh toán cho nhà đầu tư bằng việc cho phép gắn các tấm quảng cáo điện tử bên thành cầu…

NĐ 63 đã bổ sung nhiều phương thức thanh toán dự án BT. Theo đó, nhà đầu tư thực hiện công trình BT có thể được thanh toán bằng sử dụng giá trị quyền sử dụng đất, trụ sở làm việc, tài sản kết cấu hạ tầng theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; nhượng quyền kinh doanh, khai thác công trình, dịch vụ cho nhà đầu tư theo pháp luật chuyên ngành.

Đồng thời, NĐ 63 quy định rõ ràng trình tự thực hiện dự án BT; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước với đối tượng dự án này, đặc biệt trong bước quyết định chủ trương đầu tư; đấu thầu sau khi có dự toán công trình; giám sát dự án chặt chẽ đảm bảo chất lượng công trình khi chuyển giao. Từ đó, hạn chế tối đa sự thất thoát, lãng phí nguồn lực quốc gia như đã diễn ra trong thời gian gần đây; đồng thời tạo khả năng linh hoạt cho các bộ, ngành và địa phương khi xem xét phương thức thanh toán cho nhà đầu tư trong bối cảnh quỹ đất ngày càng hạn chế.

Chuyên đề