Củng cố và làm mới các động lực tăng trưởng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Chính phủ nhận định, những tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả khá nhưng còn đối mặt với nhiều thách thức. Đồng tình với nhận định này, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị cần chú trọng nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, củng cố và làm mới các động lực tăng trưởng chính, thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới.
Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư nhân. Ảnh: Nhã Chi
Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư nhân. Ảnh: Nhã Chi

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế tiếp tục phục hồi, các hoạt động kinh tế - xã hội diễn ra sôi động hơn, song vẫn còn một số hạn chế và khó khăn, thách thức.

Theo đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm, sản xuất nông nghiệp, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn. Bên cạnh đó, tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn.

Do đó, một trong những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được Chính phủ chú trọng thực hiện trong thời gian tới là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô. Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh. Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công kích hoạt và dẫn dắt đầu tư tư, tăng cường hợp tác công tư.

Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua có nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó, có những hạn chế, bất cập, yếu kém về cơ cấu kinh tế, năng lực sản xuất, điểm nghẽn tăng năng suất lao động, công tác dự báo còn hạn chế, vai trò quản lý nhà nước, phản ứng chính sách, sự phối hợp của một số bộ, ngành trong một số trường hợp chưa kịp thời, có nơi, có lúc còn bị động, hiệu quả chưa cao.

Về một số nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới, Ủy ban Kinh tế đề nghị một số nhóm giải pháp. Đó là chú trọng, nâng cao năng lực phân tích, dự báo, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; củng cố, giữ vững vai trò và làm mới các động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. Các động lực tăng trưởng mới gồm đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách; liên kết vùng; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…

Bên cạnh đó, cần duy trì ổn định thanh khoản và giữ vững an toàn hệ thống ngân hàng; có giải pháp căn cơ, bền vững, hướng dòng tiền quay trở lại sản xuất, kinh doanh, tiếp tục có giải pháp hạ lãi suất cho vay. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, có giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, cần có giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, rà soát và có giải pháp hiệu quả để thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư. Giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và hoạt động của doanh nghiệp, người dân; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ưu tiên hàng đầu lúc này là giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ doanh nghiệp còn hoạt động, đồng thời với việc bảo đảm an sinh xã hội.

Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần làm tốt hơn công tác tăng cường giải ngân đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng quan trọng để tạo ra nền tảng vững chắc cho tăng trưởng và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính phủ cần ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư, kinh doanh để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi (như chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công).

Bên cạnh đó, do động lực tiêu dùng nội địa còn yếu, cần tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2024 và cân nhắc mở rộng thêm đối tượng áp dụng. Có thêm chương trình và chính sách kích cầu tiêu dùng cụ thể, đi theo hướng hỗ trợ trực tiếp người tiêu dùng thanh toán chi phí mua sản phẩm/dịch vụ, nhất là để định hướng tiêu dùng xanh, sạch, bảo vệ môi trường góp phần thực thiện cam kết Net Zero vào năm 2050.

Mặt khác, cần bảo đảm hài hòa, hiệu quả trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp nói riêng, thúc đẩy tiêu dùng và phục hồi tăng trưởng nói chung, đồng thời giữ an toàn hệ thống tín dụng. Thúc đẩy đa dạng hóa các kênh dẫn vốn và đầu tư ngoài tín dụng ngân hàng, trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả và tính minh bạch thị trường cổ phiếu, trái phiếu, các kênh dẫn vốn khác.

Chuyên đề