Tuyến đường Hà Nội - Bắc Giang được đánh giá là không đủ tiêu chuẩn cao tốc. Ảnh: Lê Hiếu |
Thiếu an toàn vẫn được phê duyệt
Thời gian qua, dư luận xã hội, đặc biệt là người tham gia giao thông rất bức xúc trước thực trạng dù thiếu đường gom, không đủ điều kiện kỹ thuật, tuyến đường BOT Hà Nội - Bắc Giang vẫn được công nhận là cao tốc và cho thu phí.
Dự án Cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) dài 45 km, tổng mức đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng. Trên tổng chiều dài toàn tuyến 45 km, thì đã có tới 25 km thuộc đoạn Hà Nội - Bắc Ninh là đường cũ làm từ vốn ngân sách, chỉ được thảm lại mặt. Từ khi được thu phí, do không có đường gom đoạn Quốc lộ 1 qua Bắc Ninh dài hơn 20 km nên các phương tiện thô sơ, xe máy vẫn đi chung trên đường cao tốc.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng, đường cao tốc thì không thể cho xe máy và phương tiện thô sơ lưu thông, không thể có những tuyến đường xung đột trực tiếp vì như vậy sẽ rất nguy hiểm. Nhà đầu tư làm đường cao tốc mà không tính đến các yếu tố này là không bảo đảm.
Trước búc xúc của người dân, Bộ Giao thông vận tải vừa yêu cầu nhà đầu tư BOT khảo sát, xây dựng đường gom với tổng đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng để giảm giao cắt với Quốc lộ 1. Sau khi có đường gom đoạn Bắc Ninh, xe máy sẽ bị cấm đi trên Quốc lộ 1.
Rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong trường hợp này, tại sao ngay từ đầu, khi dự án không có đường gom, thiếu an toàn khi lưu thông mà vẫn qua mặt được cơ quan thẩm định, phê duyệt?
Cần minh bạch thông tin về dự án
Câu chuyện của Dự án Hà Nội - Bắc Giang không phải là dẫn chứng duy nhất về hệ lụy của việc thiếu minh bạch trong thực hiện dự án BOT giao thông. Theo ông Hà Văn Hiền, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, sự thiếu minh bạch là vấn đề khiến dư luận bức xúc nhất khi nói đến các dự án BOT giao thông. Ông Hiền cho rằng, đầu tiên phải minh bạch trong việc xác định các dự án đầu tư; tiếp đến là lập dự án, thẩm định.
Trong bối cảnh rất nhiều dự án do nhà đầu tư tự đề xuất, ông Hà Văn Hiền đặc biệt nhấn mạnh đến khâu thẩm định, để biết được nhà đầu tư lập dự án tính toán có sát, khách quan không. “Tại sao lại có chuyện nhầm lẫn đơn giá định mức, nhầm lẫn trong xác định khối lượng, trong thẩm định tổng mức đầu tư, chi phí vận chuyển, lựa chọn giá vật liệu, thậm chí là chuyển nhượng dự án…”, ông Hiền đặt vấn đề, cũng là dẫn chứng về những hệ lụy của sự thiếu minh bạch trong thẩm định dự án BOT giao thông.
Ngoài ra, ông Hà Văn Hiền khuyến nghị, cần minh bạch trong thảo luận về hợp đồng dự án với nhà đầu tư và có cơ chế ràng buộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi thương thảo về hợp đồng.
Ông Nguyễn Văn Thanh thì đề xuất, ở mỗi trạm thu phí, cần công khai thông tin về dự án BOT, tổng mức đầu tư, nhà đầu tư, thời gian thu hồi vốn để người dân nắm được và có cơ sở giám sát.