Chính sách hỗ trợ chưa tạo sức bật cho công nghiệp ô tô

(BĐT) - Bối cảnh hội nhập đang tạo áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt đối với ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô Việt Nam. Làm gì để ngành công nghiệp này bứt phá là câu hỏi được đặt ra tại Hội thảo Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô diễn ra ngày 22/10, tại Hà Nội.
Công nghiệp ô tô đang đi sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nên cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đột phá. Ảnh: Lê Tiên
Công nghiệp ô tô đang đi sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nên cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đột phá. Ảnh: Lê Tiên

Thiếu hướng dẫn ưu đãi

Ngành công nghiệp ô tô đã có sự phát triển mạnh trong những năm gần đây, song Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, vẫn còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực.

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban Chính sách của VAMA, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn còn ở quy mô nhỏ xét trên cả 3 khía cạnh là thị trường, ngành sản xuất xe và ngành sản xuất linh kiện ô tô. Về sản xuất xe, hiện có tới 80% linh kiện cho sản xuất xe trong nước là nhập khẩu. Chi phí sản xuất xe ô tô trong nước luôn cao hơn 10 - 20% so với xe nhập khẩu.

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tính đến năm 2018, cả nước mới có 358 doanh nghiệp (DN) sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có 50 DN lắp ráp ô tô; 45 DN sản xuất khung, gầm, thân xe, thùng xe; 214 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô. Số lượng này thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, các sản phẩm đã được nội địa hóa mang hàm lượng công nghệ rất thấp như: săm, lốp ô tô, ghế ngồi, gương kính... 

Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ tài chính đối với ngành công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất, lắp ráp ô tô, song Bộ Công Thương cho rằng, các chính sách đã có chưa tạo được sức bật cho ngành.

Theo Bộ Công Thương, pháp luật về đầu tư quy định sản xuất ô tô thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư. Do đó, dự án sản xuất ô tô được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa tạo tài sản cố định của dự án.

Năm 2007, Chính phủ đã ban hành quy định ưu đãi riêng cho các DN sản xuất, lắp ráp ô tô (không áp dụng cho DN thương mại). Tuy nhiên, mục tiêu đề ra về tỷ lệ nội địa hóa trong ngành sản xuất, lắp ráp ô tô chưa đạt được do điều kiện để áp dụng cách tính thuế nhập khẩu cho bộ linh kiện ô tô chưa đủ để tạo sức ép cho DN tăng tỷ lệ nội địa hóa; số DN lắp ráp quá nhiều so với quy mô thị trường nên chỉ nhập khẩu hoặc lắp ráp đơn giản...

Về chính sách hỗ trợ tài chính đối với công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, thực tế đã có Nghị định số 111/2015/NĐ-CP quy định: hỗ trợ tối đa 50% kinh phí đối với dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm CNHT; hỗ trợ tối đa 75% phí chuyển giao công nghệ đối với dự án có sử dụng trên 85% nguyên liệu của quá trình chế biến sâu khoáng sản trong nước... Riêng các DN nhỏ và vừa được hưởng thêm các ưu đãi về tín dụng đầu tư, được miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định của Luật Đất đai... Song các DN CNHT chưa được hưởng các ưu đãi hỗ trợ do chưa có hướng dẫn cụ thể.

Bên cạnh đó, theo bà Trương Thị Chí Bình, Tổng Thư ký Hiệp hội CNHT Việt Nam, các DN CNHT vẫn gặp nhiều rào cản như: Quy mô nhỏ, năng lực quản trị kém; thủ tục hành chính phức tạp...

Làm gì để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô phát triển?

Theo ông Nguyễn Trung Hiếu, công nghiệp ô tô đang đi sau các nước trong khu vực như Thái Lan và Indonesia khoảng 20 năm, nên cần có chính sách khuyến khích đột phá, chính sách hỗ trợ cụ thể và thiết thực để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa.

Ngoài ra, để phát triển ngành công nghiệp ô tô đứng vào phân khúc cao trên thị trường toàn cầu…, nhiều ý kiến khác cho rằng, cần hoàn thiện một số cơ chế chính sách khuyến khích sản phẩm nội địa.

Bà Nguyễn Thị Hải Bình, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính thuộc Bộ Tài chính đề xuất, thời gian tới cần tập trung nghiên cứu ban hành chính sách mới để thúc đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các DN lớn, thu hút đầu tư từ các tập đoàn đa quốc gia vào các dự án quy mô lớn kèm theo chuyển giao công nghệ. Đồng thời, rà soát, sửa đổi chính sách tài chính, khuyến khích đầu tư vào ngành CNHT sản xuất, lắp ráp ô tô với mức thuế ưu đãi thúc đẩy các dự án quy mô lớn...

Bà Trương Thị Chí Bình mong muốn, thời gian tới, thủ tục hành chính đối với DN tiếp tục được đơn giản hóa; cơ chế tiếp cận vốn dễ dàng; chính sách thuế phù hợp tạo ra thị trường mới, tạo động lực cho DN ngành công nghiệp ô tô phát triển.

Bộ Công Thương cũng đề xuất một loạt giải pháp như: không tính giá trị linh kiện sản xuất trong nước vào trị giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt; DN được hưởng ưu đãi thuế cao nhất đối với các dự án sản xuất sản phẩm CNHT và công nghiệp ô tô; hình thành gói tín dụng 100.000 tỷ đồng để phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; xây dựng hệ thống đánh giá năng lực DN...

Chuyên đề

Kết nối đầu tư