Cần giải pháp để năng suất lao động tăng 6,5%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - 65% người lao động Singapore được xếp vào loại tay nghề cao, trong khi ở Việt Nam, tỷ trọng này chỉ có 9%, theo số liệu năm 2021. Một phần tư lực lượng lao động Việt Nam đang làm việc không đòi hỏi tay nghề. Thực trạng này là nguyên nhân căn bản khiến chỉ tiêu tăng năng suất lao động (NSLĐ) năm 2022 của nước ta không đạt và có thể khó đạt mục tiêu tăng 6,5%/năm, nếu không cải thiện từ gốc: chất lượng nguồn nhân lực.
Theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới, 68% doanh nghiệp tại Việt Nam gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có những kỹ năng chuyên môn tương ứng với yêu cầu công việc. Ảnh: Lê Tiên
Theo một khảo sát của Ngân hàng Thế giới, 68% doanh nghiệp tại Việt Nam gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có những kỹ năng chuyên môn tương ứng với yêu cầu công việc. Ảnh: Lê Tiên

Thực trạng năng suất lao động Việt Nam

Đi qua năm 2021 với NSLĐ tăng 4,71% theo giá so sánh, đầu năm 2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Nghị quyết đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó có mục tiêu tốc độ tăng NSLĐ bình quân của Việt Nam đạt trên 6,5%/năm. Đến năm 2025, Việt Nam sẽ thu hẹp khoảng cách về năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước trong nhóm ASEAN-4, đặc biệt đối với các chỉ số về thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực… Tuy nhiên, 2022 - năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 54, tốc độ tăng NSLĐ ước chỉ đạt 4,7% - 5,2%, không đạt mục tiêu kế hoạch. Đây là chỉ tiêu duy nhất trong 15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của năm 2022 dự kiến “hụt hơi”.

Nhìn một quá trình dài, dữ liệu thống kê cho biết, trong 30 năm, từ năm 1991 - 2020, tốc độ tăng NSLĐ bình quân của Việt Nam đạt 4,65%/năm. Giai đoạn đầu (1991 - 1995), khi đất nước bắt đầu mở cửa, hội nhập, từng bước xóa bỏ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, mọi năng lực của xã hội được bung ra, tạo đà cho NSLĐ đạt tới 5,7%/năm, nhưng bị chững lại và giảm xuống chỉ còn tăng 3,1%/năm vào giai đoạn 2008 - 2012; sau đó phục hồi trở lại với tốc độ tăng trung bình 5,53% vào giai đoạn 2013 - 2019. Năm 2020 là năm đặc biệt với cơn “địa chấn Covid-19”, nhưng NSLĐ ghi nhận tăng 5,4%, đạt 5.081 USD/lao động.

TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chiến lược Việt Nam (VESS) cho biết, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam có nhiều năm cao hơn một số nước trong khu vực, nhưng về số tuyệt đối thì vẫn còn khoảng cách rất lớn so với các nước ASEAN. Ông Thành cho rằng, nếu NSLĐ không bứt phá trong giai đoạn tới thì để vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” là điều rất khó, bởi NSLĐ là yếu tố quyết định đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

NSLĐ là chỉ tiêu phản ánh hiệu quả hay mức hiệu quả của người lao động tại doanh nghiệp nói riêng, nền kinh tế nói chung. Chia sẻ về chỉ tiêu này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, tính theo sức mua tương đương năm 2011, NSLĐ của Việt Nam chỉ bằng 7,2% mức NSLĐ của Singapore; 18,4% của Malaysia; 36,2% của Thái Lan; 43% của Indonesia và bằng 55% của Philipinnes… Đáng chú ý, chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng, cho thấy khoảng cách và thách thức mà Việt Nam phải đối mặt trong việc bắt kịp mức NSLĐ của các nước.

Khuyến nghị mở rộng đầu tư vào giáo dục, đào tạo nghề

Ông Paul Krugman, người đoạt giải Nobel kinh tế, cho rằng: “Năng suất không phải là tất cả, nhưng về lâu dài thì gần như là tất cả”. Theo TS. Vũ Tiến Lộc, nhận xét của ông Paul Krugman cho thấy tầm quan trọng của NSLĐ và với Việt Nam, tăng năng suất chính là con đường duy nhất để thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững, đạt được mức thu nhập bình quân đầu người từ 15.000 đến 18.000 USD/người vào năm 2035 như mục tiêu đề ra trong Báo cáo Việt Nam 2035.

Ở góc nhìn khách quan, trong Báo cáo nâng cấp lực lượng lao động công bố tháng 11/2022, Ngân hàng toàn cầu HSBC đã dẫn một khảo sát do Ngân hàng Thế giới tiến hành với kết quả là 68% doanh nghiệp tại Việt Nam gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động có những kỹ năng chuyên môn tương ứng với yêu cầu công việc. Khảo sát chỉ ra, doanh nghiệp trong nước khát nguồn nhân lực chất lượng và nhu cầu này còn lớn hơn nữa ở khối các doanh nghiệp FDI đã và đang chọn Việt Nam làm nơi sản xuất chính. Bên cạnh các tên tuổi lớn như Intel, Samsung, LG, Pegaton…, Foxconn, một nhà cung cấp lớn của Apple mới đây đã đầu tư thêm 300 triệu USD nhằm mở rộng hoạt động ở Việt Nam. Synopsys - một tên tuổi lớn trong ngành phần mềm giá trị gia tăng cao, cũng vừa công bố mở rộng hoạt động thiết kế bộ vi xử lý và chuyển một phần chương trình đào tạo kỹ sư sang Việt Nam… Diễn biến này khiến HSBC cho rằng, thị trường lao động Việt Nam đang có nhiều cơ hội cải thiện và trọng tâm cần làm là công tác giáo dục, đào tạo, nhằm nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động. Đây cũng là yếu tố căn bản thúc đẩy năng suất và duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.

Về giáo dục, điểm yếu của Việt Nam là lực lượng lao động từ 25 tuổi trở lên có tỷ lệ đào tạo đại học và sau đại học còn thấp. Số liệu năm 2019 cho biết, tỷ lệ này ở Việt Nam ở mức 10%, trong khi của Malaysia là 12% và Thái Lan là 16%. HSBC khuyến nghị, Chính phủ cần mở rộng nguồn đầu tư cho giáo dục, giảm chi phí cơ hội đối với giáo dục phổ thông và cải thiện mạnh mẽ chất lượng đào tạo nghề.

Chuyên đề