Cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án công: Nhận diện đúng điểm vướng để tháo gỡ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Một vướng mắc được trao đi đổi lại nhiều lần tại phiên chất vấn vừa qua của Quốc hội là nguyên nhân nào dẫn đến ách tắc trong việc sử dụng vốn chi thường xuyên cho dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án công.
Các bộ, ngành, địa phương gặp vướng mắc liên quan đến việc chi từ nguồn thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư như sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Các bộ, ngành, địa phương gặp vướng mắc liên quan đến việc chi từ nguồn thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư như sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hai tổ tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật đã rà soát độc lập, tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương, liên quan đến hơn 500 văn bản từ thông tư, nghị định cho đến luật, nhưng không có một cơ quan nào nói về vướng mắc tại Điều 6, Luật Đầu tư công. Nguyên nhân của vướng mắc, cuối cùng được xác định ở cấp thông tư hướng dẫn…

Ách tắc vì đâu?

Theo một số đại biểu Quốc hội (ĐBQH), để cải tạo, nâng cấp, mở rộng các dự án công, hiện nay địa phương đều phải dùng vốn đầu tư công, thực hiện theo quy trình thủ tục của Luật Đầu tư công, dẫn đến nguồn vốn bố trí không kịp thời, thủ tục phức tạp hoặc không có nguồn xử lý do dự án phát sinh không được ghi trong danh mục đầu tư công đã được thông qua.

Có ý kiến cho rằng, nguyên nhân của vướng mắc do Điều 6 Luật Đầu tư công có nội dung quy định tính chất của dự án đầu tư công, dẫn tới cách hiểu cho rằng toàn bộ các dự án xây dựng từ xây mới đến cải tạo, nâng cấp, mở rộng, mua sắm tài sản, sửa chữa, nâng cấp... đều phải sử dụng nguồn vốn đầu tư công.

Tuy nhiên, nguyên nhân của vướng mắc, cuối cùng được xác định ở cấp thông tư. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) có hiệu lực năm 2015, Bộ Tài chính sau đó ban hành Thông tư 92/2017/TT-BTC ngày 18/9/2017 quy định về lập dự toán, phân bổ và quyết toán kinh phí để thực hiện sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất, có hướng dẫn rõ ràng về sử dụng nguồn chi thường xuyên thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất. Vấn đề chỉ phát sinh khi Thông tư số 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công có hiệu lực từ ngày 15/9/2021. Thông tư này không còn quy định nguồn kinh phí chi thường xuyên cho dự án loại này, đồng thời lại bãi bỏ Thông tư số 92/2017/TT-BTC. Từ đó, gây ra khoảng trống pháp luật, không có căn cứ pháp lý, căn cứ để lập dự toán dùng chi thường xuyên cho hạng mục nâng cấp, mở rộng.

Ông Lê Quang Mạnh nêu rõ, Điều 6 Luật Đầu tư công hoàn toàn chỉ nhằm phân loại dự án đầu tư công, trong đó phân loại dự án có cấu phần xây dựng và dự án không có cấu phần xây dựng, không có quy định nào cấm dùng chi thường xuyên cho các khoản chi này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, hai tổ tổng rà soát văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, một tổ của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang làm Tổ trưởng; một tổ của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng. Hai tổ này rà soát độc lập, tổng hợp từ các bộ, ngành, địa phương, liên quan đến hơn 500 văn bản từ thông tư, nghị định cho đến luật, trong đó có cả Luật NSNN và Luật Đầu tư công thì không có một cơ quan nào nói về vướng mắc tại Điều 6 Luật Đầu tư công. “Trường hợp có vướng mắc, chúng ta sẵn sàng sửa đổi, bổ sung. Nếu chưa rõ, sẵn sàng có giải thích vấn đề, nguyên nhân nó nằm ở đâu. Nếu thông tư và nghị định sai thì phải sửa”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng tình về nguyên nhân vướng mắc do Thông tư 65, đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) phân tích thêm, Luật NSNN trước đây có nội dung chi thường xuyên có tính chất đầu tư. Luật NSNN năm 2015 bỏ nội dung này. Đại biểu cho rằng, nếu như trong Luật NSNN quay trở lại có nội dung chi thường xuyên có tính chất đầu tư thì mọi việc không còn vấn đề gì. Vì thế, ngoài giải thích pháp luật, để giải quyết vấn đề này tận gốc thì nên sửa Luật NSNN, Luật Quản lý tài sản công và Luật Đầu tư công liên quan nội dung này.

Vướng mắc về thể chế, chính sách đối với dự án đầu tư công rất đa dạng do quá trình thực hiện chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế

Vướng mắc về thể chế, chính sách đối với dự án đầu tư công rất đa dạng do quá trình thực hiện chịu sự điều chỉnh của nhiều luật. Ảnh minh họa: Nguyễn Huế

Gỡ vướng chính sách, giải tỏa ách tắc dự án công

Việc tìm ra tận gốc vướng mắc cho thấy cần tìm đúng nguyên nhân, nút thắt gây ra ách tắc dự án công, để xử lý đúng. Bởi thực tế, quá trình chuẩn bị, thực hiện dự án đầu tư công chịu quy định bởi rất nhiều luật: Luật Đầu tư công, NSNN, Quản lý tài sản công, Đất đai, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Khoáng sản…, vướng mắc với dự án công vì thế rất đa dạng.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tại Phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2023, đến nay, một số nội dung đã được giải quyết thông qua việc sửa đổi Nghị định của Chính phủ (Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai); trình Quốc hội ban hành Luật (như vướng mắc về trình tự thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu đã được sửa đổi trong Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5). Một số nội dung đang được rà soát, trình Quốc hội, ví dụ như các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đang xem xét, sửa đổi trong Luật Đất đai; vướng mắc sử dụng vốn ngân sách địa phương đầu tư cho đường cao tốc, quốc lộ xem xét, đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số Luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ. Bộ KH&ĐT cũng đã có văn bản hướng dẫn một số nội dung về triển khai, thực hiện dự án đầu tư công để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương có cách hiểu thống nhất về một số quy định liên quan đến dự án đầu tư công, trong đó hướng dẫn về thẩm quyền phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư.

Bộ KH&ĐT cũng nhấn mạnh cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án đầu tư công. Cùng với đó, tập trung nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương chủ động, thực sự vào cuộc và trả lời, hướng dẫn xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả...

Chuyên đề