Bộ Công Thương lý giải 6 nguyên nhân thị trường xăng dầu khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 12/10, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương cho biết, những ngày gần đây, hiện tượng một số doanh nghiệp (DN) kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động, tập trung tại một số địa phương khu vực phía Nam: TP.HCM, An giang, Bình Phước, Đắk Lắk… do 6 nguyên nhân chính.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Cụ thể, thứ nhất là từ cuối năm 2021 đến nay, thị trường xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, nguồn cung không ổn định, biến động giá với biên độ lớn. Những yếu tố này đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước.

Trong giai đoạn quý II, các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu đã tăng mạnh lượng nhập khẩu xăng dầu (do lo ngại thiếu nguồn cung trong nước), đây là giai đoạn giá xăng dầu thế giới đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay. Sang quý III (từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10), giá xăng dầu thế giới lại có xu hướng giảm, theo đó, giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng giảm liên tục. Nhiều DN bị thua lỗ lớn nên đã thu hẹp hoạt động kinh doanh và nhập khẩu cầm chừng.

Thứ hai, do thua lỗ nên nhiều DN đã giảm mạnh chiết khấu bán hàng để hạn chế việc lấy nhiều hàng của các đại lý bán lẻ, dẫn đến DN bán lẻ kinh doanh thua lỗ và cắt giảm sản lượng kinh doanh.

Thứ ba, tín dụng bị thắt chặt trong khi giá xăng dầu tăng, tỷ giá USD/VND tăng và khó tiếp cận nguồn ngoại tệ khiến các DN đầu mối không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng với khối lượng như các năm trước (do giá tăng gấp 2 - 3 lần giá các năm trước) nên chỉ chủ yếu duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối trực thuộc của DN mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

Thứ tư, chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tăng cao trong khi các chi phí này chưa được tính đủ vào giá cơ sở mặt hàng xăng dầu do Nhà nước điều hành nên DN hạn chế lượng nhập khẩu để giảm thua lỗ. Bên cạnh đó, nguồn cung xăng dầu trên thị trường thế giới đang rất khó khăn do nhu cầu hút hàng từ các nước châu Âu, các DN đầu mối nhỏ, mới rất khó tiếp cận được nguồn hàng xăng dầu thế giới.

Thứ năm, một số DN đầu mối khu vực phía Nam bị tước Giấy phép kinh doanh xăng dầu trong 1 - 1,5 tháng (do vi phạm hành chính) dẫn đến thiếu nguồn cung cục bộ cho các đơn vị trước đây vẫn thường xuyên lấy hàng của DN đầu mối bị tước giấy phép này.

Thứ sáu, mưa bão ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng từ các nhà máy sản xuất trong nước và nhập khẩu về kho của DN làm chậm nguồn cung hàng trong một số giai đoạn.

Để đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường, ông Đông nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Công Thương cũng phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều giải pháp.

“Đặc biệt, trong bối cảnh nêu trên, sáng nay (12/10), Bộ Công Thương chủ trì cuộc họp với các DN đầu mối kinh doanh xăng dầu, Bộ Tài chính và Hiệp hội xăng dầu để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, khuyến khích DN hoạt động đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường”, Vụ trưởng Vụ Quản lý thị trường trong nước thông tin.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường thời gian tới, ông Đông cho biết, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu.

Cụ thể, Bộ sẽ tiếp tục rà soát chi phí trong cơ cấu tính giá. Lý do là hiện mức chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam tiếp tục tăng mạnh. Theo đó, để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh của DN, khuyến khích DN đầu mối kinh doanh xăng dầu nhập khẩu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính rà soát và sớm điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam theo mức phù hợp với thực tế phát sinh thời gian vừa qua để bảo đảm tính đúng, tính đủ trong giá cơ sở xăng dầu theo quy định hiện hành.

Bộ Công Thương sẽ đề nghị Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho DN kinh doanh xăng dầu tiếp cận tín dụng, nguồn cung ngoại tệ để đảm bảo nhập khẩu.

Bên cạnh đó, sáng nay (12/10), Bộ Công Thương đã đề nghị 2 nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn hỗ trợ giao hàng nhanh cho các DN đầu mối xăng dầu, sử dụng nguồn hàng dự trữ, đặc biệt, tăng lượng hàng tại khu vực thiếu cục bộ, điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp.

Ngoài ra, Bộ Công Thương tiếp tục rà soát nhập khẩu đảm bảo đủ nguồn quý IV/2022; đang trong tiến trình rà soát điều chỉnh xăng dầu ngày càng theo sát diễn biến thực tế của thế giới.

Chuyên đề