Áp lực tăng bội chi, nợ công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Thu ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục gặp khó khăn trong tháng 9 và khó có thể bứt phá trong những tháng cuối năm khi nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, đặc biệt tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến tăng ở mức thấp đáng kể so với mục tiêu đặt ra. Với dư địa tài khóa và chính sách vĩ mô được củng cố ổn định nhiều năm trước, nhiều ý kiến cho rằng, việc chấp nhận tăng bội chi và nợ công để thêm nguồn lực hỗ trợ hồi phục kinh tế là cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn dư địa để nới bội chi ngân sách nhà nước và tăng trần nợ công để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục trong giai đoạn tới. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều ý kiến cho rằng, vẫn còn dư địa để nới bội chi ngân sách nhà nước và tăng trần nợ công để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục trong giai đoạn tới. Ảnh: Lê Tiên

Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính cho biết, thu NSNN 9 tháng ước đạt 1.077,4 nghìn tỷ đồng, bằng 80,2% dự toán cả năm, vẫn cao hơn mức 64,5% năm 2020, 77,5% năm 2019 và 73% năm 2018. Tuy nhiên, thu nội địa có xu hướng giảm từ tháng 7 đến nay là điều đáng ngại. Cụ thể, thu nội địa từ thuế, phí từ mức tăng 9,1% của tháng 6, sang tháng 7 giảm 10,8%, tháng 8 giảm 21% và tháng 9 giảm 26,5% so với cùng kỳ năm 2020. Về chi NSNN, lũy kế chi 9 tháng ước đạt 1.030,5 nghìn tỷ đồng, bằng 61,1% dự toán. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cán cân NSNN vẫn giữ được trạng thái thặng dư ở mức 47,4 nghìn tỷ đồng.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, tổng khối lượng trái phiếu chính phủ (TPCP) trúng thầu 9 tháng đầu năm mới hoàn thành 68% kế hoạch năm. Huy động vốn TPCP chậm lại rõ rệt (giảm 32% so với cùng kỳ 2020) do giải ngân vốn đầu tư công ở mức thấp.

Với thực trạng ngân sách đó, nhiều ý kiến cho rằng vẫn còn dư địa để nới bội chi và tăng trần nợ công nhằm hỗ trợ nền kinh tế hồi phục trong giai đoạn tới.

Năm 2020, bội chi NSNN là 251,35 nghìn tỷ đồng, bằng 3,99% GDP thực hiện. Tính chung 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, bội chi NSNN bình quân khoảng 3,45% GDP, đảm bảo mục tiêu không quá 3,9% GDP theo nghị quyết của Quốc hội. Đến ngày 31/12/2020, dư nợ công khoảng 55,3% GDP, nợ chính phủ khoảng 49,1% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 47,3% GDP, thấp hơn mức trần quy định tại Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội (tương ứng là 65% GDP, 54% GDP và 50% GDP).

Trong báo cáo nghiên cứu kinh tế vĩ mô Việt Nam gần đây, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo bội chi ngân sách của Việt Nam có thể tăng lên 6% GDP năm 2021, dẫn đến nợ công tăng khoảng 3% GDP. Cân đối ngân sách và tỷ lệ nợ công trên GDP dự kiến sẽ xấu đi trong năm 2021. Tuy nhiên, theo WB, chính sách tài khóa có thể là công cụ chính duy nhất trong tay các cơ quan chức năng để ứng phó với đại dịch. Chính phủ có thể cần phải mở rộng gói hỗ trợ tài khóa, đến nay vẫn ở mức khiêm tốn, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo, các bộ quản lý vĩ mô sớm có chính sách kích thích kinh tế, đưa dòng tiền vào nền kinh tế đúng hướng, có hiệu quả; nghiên cứu nới trần nợ công, bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp tình hình.

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, để đối phó với tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều nước trên thế giới đã chấp nhận tăng thâm hụt ngân sách và nợ công, điều này thuận lợi hơn nhờ thực trạng tài khóa được củng cố từ những năm trước.

“Trong một năm rưỡi qua, nợ công toàn cầu tăng thêm 20 điểm phần trăm, thâm hụt ngân sách cũng tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát với lộ trình phù hợp. Việt Nam có thể chấp nhận tăng nợ công, nới rộng thâm hụt ngân sách để thực hiện thêm các gói hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh và tạo sinh kế cho người dân. Năm ngoái các gói hỗ trợ là khoảng 2% GDP, năm nay, tổng các gói hỗ trợ đến thời điểm này chỉ khoảng 1,5% GDP. Chúng ta vẫn có dư địa để thực hiện điều này”, ông Lực nói.

Theo một số chuyên gia kinh tế, so với giai đoạn 1999 - 2011 (giai đoạn trước và trong khi thực hiện gói kích cầu 17 nghìn tỷ đồng), dư địa tài khóa hiện nay tốt hơn rất nhiều với tỷ lệ bội chi NSNN và nợ công thấp hơn đáng kể. Bên cạnh đó, các yếu tố vĩ mô khác như lạm phát, tính ổn định của hệ thống tài chính, cán cân ngoại hối đều tích cực sau nhiều năm củng cố. Như vậy, chúng ta có thể chấp nhận tăng bội chi và nợ công trong giai đoạn hiện nay để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, Học viện Tài chính, tác động tiêu cực của dịch bệnh khiến dự toán thu NSNN năm 2021 dự kiến giảm khoảng 10% so với kết quả năm 2020. Năm nay, dự báo thu cân đối NSNN chỉ đạt khoảng 96% - 98% dự toán đầu năm. Do đó, dự toán thu chi NSNN năm 2022 và những năm tiếp theo cần tiếp tục duy trì sự thận trọng và theo nguyên tắc lường thu mà chi, đồng thời, có giải pháp chính sách để theo dõi và đánh giá về công tác lập dự toán và chấp hành NSNN ở tất cả các cấp.

"Năm 2022 cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Dịch bệnh Covid-19 là hiện tượng bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được", PGS.TS Vũ Sỹ Cường nhấn mạnh.

Chuyên đề