10 tháng năm 2019, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 62 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018. Ảnh: Lê Tiên |
Xuất khẩu gặp không ít thách thức
Trao đổi với Báo Đấu thầu, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mạị thuộc Bộ Công Thương cho biết, XK của Việt Nam những năm qua đều đạt kết quả tốt. 10 tháng năm nay, kim ngạch XK vẫn tiếp tục đà tăng trưởng với những điểm sáng. Cụ thể, trong 10 tháng, kim ngạch hàng hóa XK ước đạt 217,05 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018. Về thị trường, Mỹ tiếp tục là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,9 tỷ USD, tăng 26,6% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 34,2 tỷ USD, giảm 1,9%; Trung Quốc đạt 32,5 tỷ USD, giảm 2,9%; thị trường ASEAN đạt 21,3 tỷ USD, tăng 2,6%; Nhật Bản đạt 16,6 tỷ USD, tăng 7,5%; Hàn Quốc đạt 16,6 tỷ USD, tăng 9%.
Tuy nhiên, XK những tháng cuối năm và thời gian tới được dự báo gặp không ít khó khăn, thách thức. Theo ông Thắng, khó khăn đầu tiên là sức mua của thị trường đang chững lại mà nguyên nhân là từ tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các yếu tố khách quan khác.
“Tuy nhiên, điều đáng lo nhất đối với XK hiện nay là vấn đề gian lận thương mại với hành vi hàng hóa của quốc gia khác, trong đó có hàng Trung Quốc, núp dưới vỏ bọc xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu”, ông Thắng cho biết.
Gần đây, cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa ở một số lĩnh vực như dệt may, giầy dép, thực phẩm, thép… Cách đây không lâu, Tổng cục Hải quan vừa phát hiện một lô hàng nhôm trị giá 4,3 tỷ USD được nhập vào Việt Nam, đang chờ XK sang Mỹ và các thị trường khác. Trước đó, Cục An ninh kinh tế thuộc Bộ Công an nhận định, có việc các doanh nghiệp (DN) Việt Nam nhập khẩu gỗ dán từ Trung Quốc, sau đó gia công để XK hoặc bán cho các DN khác XK sang Mỹ. Bên cạnh đó, xuất hiện tình trạng các DN nước ngoài “núp bóng” đầu tư lấy C/O để XK gỗ dán sang thị trường Mỹ nhằm lẩn tránh thuế…
“Vấn đề này đang xảy ra tương đối nghiêm trọng, nếu chúng ta không có biện pháp ngăn chặn quyết liệt, hữu hiệu hơn thì sẽ dẫn đến hệ quả là hàng hóa Việt Nam có thể bị điều tra chống lẩn tránh thuế, gây thiệt hại cho nền kinh tế’, ông Thắng cảnh báo.
Làm gì để phòng chống gian lận xuất xứ?
Với những thách thức đang đặt ra về gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa, đại diện Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho biết, để chủ động trong công tác điều hành, Bộ có biện pháp thúc đẩy XK những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội. Đồng thời, tăng cường quản lý chặt chẽ trước nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Trước thực tế nhập siêu từ Trung Quốc đang tăng lên rất mạnh (10 tháng năm 2019, Việt Nam nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá 62 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018), Bộ Công Thương đề xuất tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống gian lận xuất xứ, phòng vệ thương mại.
Về vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng nhấn mạnh, các cơ quan hải quan cũng như các địa phương cần lưu tâm không để lọt hàng hóa nước ngoài núp bóng hàng Việt Nam để gian lận xuất xứ. Đặc biệt, hơn lúc nào hết, các DN Việt Nam cần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, cộng đồng DN Việt Nam lên hàng đầu để không tiếp tay cho gian lận thương mại. Cùng với đó, người tiêu dùng cần cảnh giác, phát hiện giúp cơ quan quản lý nhà nước ngăn chặn tình trạng này. “Chúng ta cần chú trọng 3 mũi giáp công trên để giải quyết vấn nạn này”, ông Thắng khuyến nghị.
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thì cho rằng, để giải quyết được các vấn đề trên, các DN Việt Nam, nhất là các DN XK cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chất lượng hàng hóa hơn nữa. Đây vừa là vấn đề trước mắt cũng là vấn đề lâu dài để khẳng định vị thế của Việt Nam.