​Xử lý nước thải tại TP.HCM: Vì sao khó thu hút nhà đầu tư?

(BĐT) - Dù được “trải thảm đỏ” kêu gọi nhà đầu tư vào các dự án nhà máy xử lý nước thải tại TP.HCM, song đến nay, nhiều rào cản đã khiến những dự án này “rơi” vào trạng thái đình trệ.
Theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM phải hoàn thành đầu tư 7 nhà máy xử lý nước thải. Ảnh: Lê Tiên
Theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM phải hoàn thành đầu tư 7 nhà máy xử lý nước thải. Ảnh: Lê Tiên

Dự án án binh bất động, dự án đợi nhà đầu tư

Đã hơn 1 năm kể từ thời điểm ký kết hợp đồng thực hiện, quá trình thi công Gói thầu XL-02 Thiết kế - thi công - vận hành Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến nay vẫn chưa có tiến triển đáng kể. Gói thầu này thuộc Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư là 524 triệu USD. Trong đó, vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) là 450 triệu USD, vốn đối ứng tương đương 74 triệu USD từ ngân sách TP.HCM.

Theo kế hoạch, Dự án được thực hiện từ năm 2015 - 2021, song phải đến tháng 2/2017 mới khởi công gói thầu đầu tiên (Gói thầu XL-01 Thi công tuyến cống bao). Bởi vậy, tháng 5/2018, UBND TP.HCM kiến nghị các bộ, ngành xem xét trình Thủ tướng gia hạn thời gian hoàn thành Dự án vào tháng 4/2023.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc quá trình lựa chọn nhà thầu kéo dài 5 năm, Gói thầu XL-02 lại “dính” kiến nghị phức tạp khiến gói thầu trị giá hơn 7.000 tỷ đồng này “án binh bất động” trong thời gian dài. Do đó, tháng 7/2019, Ban Quản lý dự án hạ tầng đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) tiếp tục đề nghị UBND Thành phố kiến nghị Thủ tướng gia hạn thời gian hoàn thành Dự án đến tháng 6/2024.

Nhà máy Xử lý nước thải Nhiêu Lộc - Thị Nghè sau khi được hoàn thành sẽ thu gom toàn bộ nước thải lưu vực tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đưa về Nhà máy để xử lý.

Hiện TP.HCM có 3 nhà máy xử lý nước thải tập trung hoạt động gồm: Bình Hưng, Bình Hưng Hòa và Tham Lương - Bến Cát. Theo kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố phải hoàn thành đầu tư 7 nhà máy xử lý nước thải, nhưng đến nay vẫn đang ở giai đoạn “đợi” nhà đầu tư. Bao gồm: lưu vực Tây Sài Gòn, Bình Tân và Tân Hóa - Lò Gốm với tổng công suất 630.000 m3/ngày, Bắc Sài Gòn 1 với công suất 170.000 m3/ngày, lưu vực Bắc Sài Gòn 2 với công suất 130.000 m3/ngày, lưu vực rạch Cầu Dừa với công suất 100.000 m3/ngày, lưu vực Tây Bắc với công suất 130.000 m3/ngày. Tổng nhu cầu vốn đầu tư thực hiện 7 dự án này lên đến gần 46.000 tỷ đồng. 

Nhà đầu tư mỏi mòn chờ đơn giá

Theo Cục Hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng, cả nước hiện có 43 nhà máy xử lý nước thải tập trung ở đô thị, với tổng công suất xử lý gần 1 triệu m3/ngày. Tuy nhiên, với 43 nhà máy này, thực tế, tỷ lệ xử lý nước thải mới chỉ đáp ứng khoảng 13% tổng lượng nước thải. Do đó, nhu cầu đầu tư cho các dự án nhà máy xử lý nước thải luôn bức thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, với nguồn lực hiện có, phương án tối ưu là thu hút sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân để tăng khả năng cân đối vốn.

Đối với TP.HCM, trong kế hoạch bảo vệ môi trường giai đoạn 2016 - 2020, Thành phố đặt mục tiêu 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Dự kiến, sau khi Nhà máy Bình Hưng (giai đoạn 2), Nhà máy Nhiêu Lộc - Thị Nghè và hệ thống thu gom của Nhà máy Tham Lương - Bến Cát hoàn thành, lượng nước thải được thu gom xử lý là khoảng 1.313.624 m3/ngày, đạt tỷ lệ 57,81% (năm 2020). Như vậy, nhu cầu thu hút tư nhân tham gia các dự án xử lý nước thải tại TP.HCM vẫn còn rất lớn.

Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất cho các nhà đầu tư vào thời điểm hiện tại là quy định về đơn giá xử lý nước. Theo WB, TP.HCM hiện vẫn chưa xây dựng được mức đơn giá xử lý nước thải để nhà đầu tư đánh giá, từ đó, lựa chọn công nghệ, tính toán chi phí đầu tư phù hợp.

Bà Victoria Delmon, Chuyên gia cao cấp thuộc WB tại Việt Nam đánh giá, việc TP.HCM chưa kịp ban hành đơn giá xử lý nước phù hợp sẽ làm giảm sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư