Trong giai đoạn tới, phải thắt chặt quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA |
Trong cuộc họp với một số bộ, ngành về việc quản lý vốn vay ODA và vay ưu đãi vừa diễn ra hôm qua, lãnh đạo Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn này.
Các ý kiến phát biểu tại Cuộc họp đều nhất trí cho rằng, những chương trình, dự án ODA và vay ưu đãi nước ngoài phải bảo đảm nguyên tắc chỉ vay cho đầu tư phát triển, không vay cho chi thường xuyên. Quan điểm này cần được quán triệt từ khâu đề xuất chủ trương, đàm phán, ký kết cũng như thực hiện.
Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về việc phân định giữa chi thường xuyên và chi cho đầu tư phát triển trong các dự án ODA còn chưa rõ ràng. Chi cho đầu tư phát triển thường được nói tới là chi cho xây dựng kết cấu hạ tầng, hay còn gọi là “phần cứng”. Tuy nhiên, chi cho “phần mềm” như các dự án tăng cường năng lực, các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, rất cần thiết, chi cho con người cũng cần được xem là chi đầu tư phát triển.
Phát biểu tại Cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của ODA đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam thời gian qua, nhất là đối với phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường năng lực bộ máy. “Khi chuyển từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì năng lực xây dựng thể chế, năng lực bộ máy rất quan trọng”, Thủ tướng nhận định và cho rằng, không chỉ hạ tầng cứng mà cả hạ tầng mềm cũng quan trọng.
Về công tác quản lý vốn ODA thời gian qua, Thủ tướng đánh giá có nhiều tiến bộ, chặt chẽ hơn, tuy nhiên còn tồn tại bất cập, hạn chế. Do đó, trong giai đoạn tới phải thắt chặt quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng các khoản vay ODA, kể cả các dự án hỗ trợ kỹ thuật. Thủ tướng yêu cầu quản lý ODA phải chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn để dòng vốn này đi vào phục vụ phát triển tốt hơn, rà soát, cắt giảm các khoản chi không cần thiết trong các dự án ODA như mua ô tô...
Thủ tướng nhất trí với các ý kiến cho rằng phải có tiêu chí rõ ràng hơn phân định đâu là chi đầu tư phát triển, đâu là chi thường xuyên trong các dự án ODA. Phải làm rõ các khái niệm này, không để nhầm lẫn dẫn đến khó khăn trong quản lý. Thủ tướng giao Bộ Tài chính làm rõ khái niệm này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thủ tướng nhấn mạnh các khoản vay ODA mới sẽ chỉ sử dụng cho đầu tư phát triển, không dùng cho chi thường xuyên. Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vốn ODA trong giai đoạn tới, lấy ý kiến của các bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ.
Theo lãnh đạo Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính, trong bối cảnh Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình thấp, việc huy động các nguồn vốn ODA trở nên khó khăn hơn. Việt Nam bắt đầu phải tiếp cận với các nguồn vốn vay kém ưu đãi hơn. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Từ thời hạn vay bình quân khoảng 30 - 40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7 - 0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn (giai đoạn trước 2010) đến thời hạn vay bình quân chỉ còn 10 - 25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay, với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên (giai đoạn 2011 - 2015). Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp.
Vì thế, cần nhìn nhận đúng nguồn vốn ODA thực chất là nợ quốc gia. Nguồn vốn này cần được sử dụng một cách chiến lược hơn và cẩn trọng hơn để thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế và huy động các nguồn vốn tư nhân bổ sung cho các nguồn lực công.