Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 và Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 gặp vướng mắc về cơ chế thanh quyết toán đối với phần khối lượng phát sinh. Ảnh: Lê Tiên |
Liên danh Tổng công ty 36 - Tổng công ty 319 - Tổng công ty Thành An vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được giải quyết dứt điểm các tồn tại, khó khăn, vướng mắc đối với Gói thầu số 1 (gói thầu EPC) Xây dựng Bệnh viện Bạch Mai - cơ sở 2. Dự án được khởi công vào tháng 2/2015 với giá trị ký kết 2.189 tỷ đồng. Hiện giá trị khối lượng hoàn thành đã lên đến 2.300 tỷ đồng. Nhà thầu đã thi công xong 98% kiến trúc công trình; 90% phần điện nước; lắp đặt 95% điều hòa không khí, phòng cháy chữa cháy; lắp đặt 35/35 thang máy; nhập 98% thiết bị phần khí y tế và vận chuyển mẫu bệnh phẩm về công trường… Hợp đồng giữa Ban Quản lý dự án y tế trọng điểm (Chủ đầu tư) và Nhà thầu đã hết hiệu lực từ tháng 12/2020 nhưng vẫn chưa được ký phụ lục gia hạn thời gian thực hiện hợp đồng. Do đó, Nhà thầu không có cơ sở pháp lý để quản lý và giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến hợp đồng trong gần 2 năm qua.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Tổng công ty 36 cho biết, phần khối lượng công việc Nhà thầu thực hiện đã vượt giá trị hợp đồng EPC ban đầu, nhưng không có cơ chế để thanh toán phần khối lượng phát sinh. Sau nhiều lần họp bàn nhưng đến nay dự toán toàn bộ hệ thống cơ điện chưa được thẩm định và phê duyệt. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc thực hiện Dự án bị đình trệ nhiều năm. Trong 2 năm phải tạm dừng việc thi công, Nhà thầu vẫn phải duy trì và bỏ ra các chi phí liên quan đến hợp đồng/công trình để bảo trì khối lượng công trình đã thực hiện nhưng chưa được nghiệm thu thanh toán, ước tính khoảng 3 tỷ đồng/tháng. Các nhà cung cấp vật tư, thiết bị đồng loạt gửi văn bản yêu cầu thanh toán tiền hàng vì phần lớn hàng đã về công trường chưa được nghiệm thu thanh toán vì lý do dự toán chưa được phê duyệt…
Tại Dự án Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 do Liên danh Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Công ty CP Hồng Hà Việt Nam thực hiện, giá trị hợp đồng EPC đã ký là 2.200 tỷ đồng, giá trị dự toán thực hiện đến nay khoảng 2.450 tỷ đồng. Đại diện Nhà thầu cho biết, sau khi triển khai thi công phần cọc và móng, Chủ đầu tư đã điều chỉnh lại hồ sơ thiết kế cơ sở phần kiến trúc cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của Bệnh viện. Điều này làm phát sinh nhiều hạng mục khối lượng công việc. Diện tích xây dựng theo hồ sơ mời thầu là 117.714 m2, sau đó diện tích thiết kế cơ sở điều chỉnh tăng lên 139.204 m2, dẫn đến giá trị hợp đồng cần được điều chỉnh tăng. Nhà thầu đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này với Chủ đầu tư và Bộ Y tế nhưng chưa được giải quyết.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho biết, 2 dự án bệnh viện hàng nghìn tỷ đồng phải “đắp chiếu” dài ngày là câu chuyện điển hình về lãng phí nguồn lực nhà nước mà ai cũng nhìn thấy. Càng chậm trễ xử lý vướng mắc, chậm hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng thì hệ lụy càng lớn.
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã có buổi làm việc với Bộ Y tế, địa phương và các cơ quan chức năng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho 2 dự án trọng điểm nêu trên. Tuy nhiên, vướng mắc lớn ở đây chính là cơ chế thanh quyết toán đối với phần khối lượng phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Để giải quyết được thì cần sự vào cuộc của rất nhiều cơ quan chức năng.
Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho 2 dự án nêu trên, Thủ tướng xem xét cho phép Bộ Y tế điều chỉnh một số điều khoản hợp đồng EPC (quy định hiện hành là không được điều chỉnh), thanh toán hợp đồng và điều chỉnh giá trị hợp đồng xây lắp của 2 dự án theo khối lượng thực tế được nghiệm thu, đơn giá thanh toán được điều chỉnh theo thời điểm thi công được nghiệm thu, phù hợp với quy định hiện hành về quản lý hợp đồng và thanh toán vốn đầu tư. Bộ KH&ĐT cũng đề nghị Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định cho phép điều chỉnh thời gian thực hiện của 2 dự án đến hết năm 2024 để có thể ký phụ lục gia hạn hợp đồng với các nhà thầu, thực hiện mua sắm trang thiết bị và thanh toán, giải ngân khối lượng hoàn thành.