Theo Bộ Tài chính, nếu triển khai phương thức mua sắm tập trung tốt trên phạm vi toàn quốc, số tiền Nhà nước tiết kiệm được sẽ chiếm tỷ lệ 15% tổng giá trị mua sắm, tương đương 30.200 tỷ đồng/năm. Ảnh: Nhã Chi |
Tinh thần đột phá của Nghị quyết 04/NQ-TW
Ngày 21/8/2006, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X (gọi tắt là Nghị quyết 04/NQ-TW) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã chỉ ra nhiệm vụ nhằm khắc phục những bất cập trong công tác mua sắm công như sau: “Khắc phục tiêu cực trong hoạt động mua sắm công, đảm bảo công khai, minh bạch, kể cả việc công khai hoá các khoản hoa hồng từ mua sắm. Thực hiện thí điểm mô hình mua sắm công tập trung, nhất là đối với những loại hàng hoá có nhu cầu sử dụng nhiều và có giá trị lớn”. Đây có thể xem là đường hướng chỉ đạo đúng và trúng, là nền tảng đầu tiên cho những nỗ lực nhằm đưa MSTT dần đi vào cuộc sống.
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI tiếp tục khẳng định: “Sửa đổi, bổ sung các quy định về việc thành lập các trung tâm mua sắm công tập trung, theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 3 khóa X”.
Và để thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg ngày 26/11/2007 cho phép thí điểm việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung vào năm 2008. Việc thí điểm được áp dụng với Bộ Tài chính và 24 bộ, ngành, địa phương đăng ký tham gia.
Năm 2012, Bộ Tài chính đã có những đánh giá ban đầu qua 5 năm triển khai thí điểm MSTT theo Quyết định số 179/2007/QĐ-TTg. Từ những đánh giá này, Bộ Tài chính đã có Tờ trình Thủ tướng về việc hoàn thiện cơ chế MSTT. Theo Bộ Tài chính, thực tế triển khai thực hiện các gói thầu MSTT cho thấy đây là một hướng đi đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Theo Cục Quản lý công sản thuộc Bộ Tài chính, sau 5 năm triển khai thí điểm tại 24 bộ, ngành, địa phương, việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung đã chứng tỏ những hiệu quả quan trọng. Đầu tiên chính là hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Theo số liệu tổng hợp trong 5 năm, chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm của các bộ, ngành, địa phương tham gia thí điểm là hơn 467 tỷ đồng. Hiệu quả này không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn được thể hiện ở chất lượng đầu vào tốt, giá mua thống nhất, tương đồng về kỹ thuật. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng thì hiệu quả mua sắm công sẽ lớn hơn rất nhiều.
Luật Đấu thầu 2013 - bước chuyển đến áp dụng đại trà mua sắm tập trung
Chỉ sau 1 năm đánh giá giai đoạn thí điểm việc tổ chức mua sắm tài sản, hàng hóa nhà nước theo phương thức tập trung, năm 2013, Luật Đấu thầu được ban hành, dành hẳn một chương cho MSTT.
Nhằm bảo đảm việc chi tiêu bằng nguồn vốn nhà nước có hiệu quả, cắt giảm chi phí, thời gian, đầu mối tổ chức lựa chọn nhà thầu cũng như tăng cường tính chuyên nghiệp trong đấu thầu, Luật Đấu thầu năm 2013 đã đưa ra các quy định về mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung. Đây được xem là bước chuyển từ cơ chế “thí điểm” sang bắt buộc của công tác MSTT. Có thể nói, những quy định của Luật Đấu thầu năm 2013 liên quan đến mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung được đánh giá là nâng MSTT lên mức độ cao hơn hẳn so với giai đoạn thí điểm.
Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu có 5 điều hướng dẫn thực hiện MSTT (từ Điều 68 đến Điều 72): Nguyên tắc trong MSTT; Trách nhiệm trong MSTT; Quy trình MSTT tổng quát; Danh mục hàng hóa, dịch vụ áp dụng MSTT và Nội dung thỏa thuận khung.
Tiếp theo, Quyết định số 08/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung được ban hành. Trong năm 2016, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 34/2016/TT-BTC và Thông tư số 35/2016/TT-BTC hướng dẫn việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung.
Khung pháp lý về MSTT ở giai đoạn này đã ở mức hoàn thiện, đồng bộ, tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu triển khai phương thức MSTT tốt trên phạm vi toàn quốc, số tiền Nhà nước tiết kiệm được sẽ chiếm tỷ lệ 15% tổng giá trị mua sắm, tương đương 30.200 tỷ đồng/năm. Trong đó, việc giảm chi cho bộ máy và biên chế trong mua sắm công là rất lớn. Cả nước từ chỗ có hơn 100.000 đầu mối mua sắm công giảm chỉ còn 107 đầu mối, gồm 2 đơn vị mua sắm cấp quốc gia, 42 đầu mối thuộc các bộ, ngành trung ương và 63 đầu mối của các tỉnh, thành phố.
Cục trưởng Cục Quản lý công sản La Văn Thịnh cho biết, hiệu quả của MSTT là rất lớn. Đầu tiên chính là số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn, số lượng nhiều. Thứ hai, đồng bộ được chất lượng hàng hóa, kiểm soát tốt chất lượng đầu vào của hàng hóa, thống nhất về kỹ thuật. “Tinh thần của Luật Đấu thầu năm 2013 và hướng dẫn cụ thể của Nghị định 63/2014/NĐ-CP đã cho thấy, cách tổ chức MSTT sẽ giúp tăng hiệu quả đầu tư từ ngân sách nhà nước, tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao tính chuyên nghiệp cho các đơn vị MSTT đầu mối”.