Central Group đã đánh bại các tên tuổi bán lẻ khác, trong đó có đại diện Việt Nam là Saigon Co.op, để thâu tóm Big C Việt Nam một cách nhanh chóng. |
Mạnh vì gạo, bạo vì tiền
Giới đầu tư và dư luận quan tâm đến thị trường M&A Việt Nam chưa quên cảm giác hồi hộp xen lẫn lo lắng của thương vụ Casino (Pháp) bán Big C Việt Nam vừa qua. Bởi, đây là nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam, sở hữu 32 siêu thị, trung tâm thương mại tại các địa điểm… “kim cương” khiến những tên tuổi bán lẻ trong và ngoài nước đều muốn chạy đua để giành bằng được.
Việc Big C rơi vào tay của tỷ phú Tos Chirathivat, ông chủ của Central Group (Thái Lan) với giá 1,05 tỷ USD càng khiến cho thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam dậy sóng. Năm 2015, tập đoàn này cũng đã chi khoảng hơn 100 triệu USD thâu tóm nhà bán lẻ số 1 trên thị trường điện máy là Nguyễn Kim và gần đây nhất chi 10 triệu USD mua lại mảng kinh doanh tại Thái Lan và Việt Nam của Zalora (thuộc Global Fashion Group của Tập đoàn Rocket Internet).
So với thương vụ tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi - chủ của Tập đoàn TCC Holdings (Thái Lan) chi 655 triệu euro mua 19 trung tâm và các bất động sản liên quan của Metro Cash & Cary Việt Nam, thương vụ Big C gây nhiều chú ý ở độ chạy đua công khai và lộ rõ quyết tâm cũng như ý đồ của Central Group trên thị trường phân phối, bán lẻ Việt Nam. Central Group đã đánh bại các tên tuổi bán lẻ khác, nhất là đại diện của Việt Nam là Saigon Co.op một cách nhanh chóng, đúng luật “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Central Group nắm được ý đồ của casino bán từ nước ngoài, họ cần tiền mặt luôn và ngay để tái cơ cấu nợ, đặc biệt là thủ tục giấy tờ nhanh chóng. Trong khi đó, Saigon Co.op không có tiền mặt, phải làm thủ tục vay ngân hàng mà Casino thì không chờ được.
Trước đó, Berli Jucker (BJC), công ty con của TCC cũng mua lại Family Mart Việt Nam sau khi đối tác Nhật Bản rút khỏi liên doanh với Tập đoàn Phú Thái và đổi tên thành chuỗi bán lẻ B’mart. Đặc biệt, cùng với việc thâu tóm Metro Cash & Carry Việt Nam, tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi cũng quyết liệt thực hiện thương vụ “khủng” khi thông qua Tập đoàn đồ uống Singapore Fraser & Neave (F&N) trở thành cổ đông lớn thứ 2 tại Vinamilk, với 11,04% cổ phần, Hiện, ThaiBev của tỷ phú này cũng đang chạy đua mua 40% cổ phần của bia Sài Gòn (Sabeco), với giá trị 1 tỷ USD.
Thật ra, xu hướng doanh nghiệp Thái đi thâu tóm ở bên ngoài biên giới quốc gia của họ không phải là mới. Năm 2012, Tập đoàn Siam Cement Group (SCG) của Thái Lan đã ký thỏa thuận mua 85% cổ phần Công ty cổ phần Prime Group (Việt Nam) với giá 7,2 tỷ baht (gần 5.000 tỷ đồng). Đây cũng chính là thương vụ M&Alớn nhất trong lĩnh vực vật liệu xây dựng của Việt Nam cho tới nay.
Riêng trong ngành nhựa, hiện SCG đã bỏ vốn vào hơn 20 doanh nghiệp nhựa Việt Nam. Trong đó, khoản đầu tư đáng chú ý nhất là mua 80% cổ phần Công ty Nhựa Tín Thành, một doanh nghiệp thuộc tốp đầu trong lĩnh vực nhựa bao bì của Việt Nam. SCG còn nắm giữ cổ phần lớn tại 4 công ty chuyên sản xuất nhựa gia dụng - bao bì là Liên doanh Việt - Thái Plastchem, Nhựa và Hóa chất TPC Vina, Chemtech và Vật liệu nhựa Minh Thái.
Đối với Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh, SCG thông qua công ty con là Nawaplastic Industries cũng đã đầu tư rót vốn và hiện là cổ đông lớn thứ hai, chỉ sau Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). SCIC lại có kế hoạch rút vốn khỏi 2 công ty nhựa kể trên. Việc này sẽ tạo cơ hội cho Nawaplastic Industries tăng nắm giữ tại Nhựa Tiền Phong và Nhựa Bình Minh. SCG vẫn đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào ngành nhựa.
Gần đây nhất, Quỹ đầu tư Ton Poh Thai Lan Fund đã chi 130 tỷ đồng mua 5,9 triệu cổ phiếu của Công ty Đầu tư - Dịch vụ Hoàng Huy, tương đương 5,32% vốn điều lệ công ty. Ton Poh Thai Lan Fund chuyên đầu tư vào các cổ phiếu đã niêm yết trên thị trường Thái Lan cũng như các nước thuộc khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực sông Mekong như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar. Ngoài Hoàng Huy, Ton Poh Thai Lan Fund cũng nắm gần 6% cổ phần Công ty Xây dựng Cotec.
Bắt đầu cuộc đua mới
Một không gian kinh tế mở sẽ tạo ra các cơ hội thực sự đáng kể để dòng vốn đầu tư chảy cuồn cuộn. Có thể nói, sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) được chờ đợi có hiệu lực từ năm 2018 đang là động lực thúc đẩy các dòng vốn đầu tư vào các nước trong khu vực. Cuộc đua mới bắt đầu cho các quốc gia, nhà đầu tư và các doanh nghiệp Thái Lan đang tỏ ra là người nắm giữ cuộc chơi này.
Những thương vụ thâu tóm hàng tỷ USD của các ông trùm đầy tham vọng này đã đưa Thái Lan, từ chỗ khá im hơi lặng tiếng, trở thành một thế lực mạnh mẽ trong hoạt động M&A tại châu Á. Các chuyên gia cho rằng, các thương vụ có sự góp mặt của các công ty Thái Lan trong các thương vụ M&A đình đám ở châu Á đã tăng rất nhanh, hiện chỉ đứng sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.
Trong đó, thị trường AEC hơn 600 triệu dân được coi như một thị trường ổn định hơn rất nhiều so với hầu hết các thị trường mới nổi trên thế giới. Các cơ hội tăng trưởng cho các doanh nghiệp tại đây sẽ rất hấp dẫn, bất kể với doanh nghiệp Thái Lan, Việt Nam hay từ các quốc gia, nền kinh tế khác.
Giới phân tích kinh tế cho rằng, việc tăng thêm các thương vụ M&A sẽ là hệ quả tất yếu do sự tự do giao thương giữa các nước cả về hàng hóa, dịch vụ, nguồn nhân lực.
Riêng đối với doanh nghiệp Thái Lan, một số thị trường mới nổi trong khu vực có thể sẽ có tiềm năng tăng trưởng thậm chí còn lớn hơn so với Thái Lan. Đây sẽ là đích ngắm M&A của họ trong thời gian tới. Nguồn vốn mạnh, kinh nghiệm quản lý đáng nể, các nhà đầu tư Thái muốn tiếp tục khai thác khu vực Đông Nam Á, nhất là Việt Nam sau khi đã thành công các ngành phân phối, bán lẻ, hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng thì nông nghiệp và chế biến sẽ là đích nhắm tiếp theo.
Sự đổ bộ của nhà đầu tư Thái Lan thông qua các giao dịch M&A “khủng” thời gian qua khiến thị trường Việt Nam náo loạn, tạo tâm lý bất an cho các chuyên gia, doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ.
Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (đơn vị đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công thương để điều tra các thương vụ M&A của nhà bán lẻ ngoại thời gian qua) cho hay: “Thị phần của các nhà sản xuất trong nước đang có xu hướng thu hẹp dần trên các kệ hàng tại các điểm bán lẻ. Điều này làm ảnh hưởng đến nền sản xuất trong nước thông qua việc các nhà sản xuất giảm khả năng và sản lượng sản xuất, giảm khả năng cạnh tranh của hàng nội trước hàng ngoại. Lúc đó, hàng ngoại sẽ chi phối nền sản xuất trong nước”, ông Minh nhận định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Minh, Tổng giám đốc Sunshine Holding lại cho rằng, chiến lược của các doanh nghiệp Thái Lan là dùng quy mô để chiếm thế độc quyền nhanh chóng trên thị trường tiêu dùng. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam đừng sợ hãi làn sóng này, nó chỉ là trào lưu. Vấn đề mà các doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm lúc này là nâng cao khả năng cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí cao của AEC, TPP thì sẽ thắng thế.