Trong tâm dịch, nhiều dự án trọng điểm nỗ lực vượt khó

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong đợt dịch bùng phát lần thứ 4, rất nhiều công trình trọng điểm quốc gia và của TP.HCM đã bị Covid-19 tấn công, buộc phải tạm dừng thi công. Trong nhiều khó khăn, các chủ đầu tư và nhà thầu đều nỗ lực vượt qua, để thi công an toàn, hiệu quả và về đích đúng tiến độ.
Công trường Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vừa được TP.HCM cho phép thi công trở lại. Ảnh: Quỳnh Trần
Công trường Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vừa được TP.HCM cho phép thi công trở lại. Ảnh: Quỳnh Trần

Khi F0 xuất hiện tại công trình

Cuối tháng 6/2021, công trường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận trở thành dự án trọng điểm đầu tiên của cả nước “trọng thương” do Covid-19. Thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Tiền Giang công bố, kết quả xét nghiệm đã ghi nhận thêm 5 mẫu bệnh phẩm nghi mắc Covid-19 của công nhân làm việc tại công trường. Theo cơ quan y tế Tiền Giang, 5 ca lây nhiễm mới này đều là F1 của 2 ca đầu tiên xuất hiện tại văn phòng điều hành công trình. Cả 7 ca F0 đều được đưa đi điều trị, cách ly tập trung. Các diện F2, F3 được theo dõi sát sao, tự cách ly tại công trình.

Trong tháng 7/2021, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông, cho biết, một số công trình thuộc Dự án Cao tốc Bắc Nam đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng xuất hiện các ca F0 ngay trong công trình. Cụ thể, tại Gói thầu số XL-01, toàn bộ hoạt động thi công phải tạm dừng do xuất hiện cán bộ, công nhân nhiễm Covid-19, phải đưa đi cách ly, điều trị.

Tại Dự án thành phần Phan Thiết - Dầu Giây, cuối tháng 7 đã xuất hiện 12 ca nhiễm Covid-19, khiến hơn 200 cán bộ, công nhân, người lao động phải thực hiện cách ly.

Từ ngày 5/8 đến 15/8/2021, trên công trường Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất liên tiếp xuất hiện nhiều ca F0. Cơ quan y tế TP.HCM cho biết, công trường đã phát hiện 27 ca F0, gần 80 F1. Từ ngày 15/8/2021, toàn bộ hoạt động thi công của dự án cấp bách này phải tạm dừng để thực hiện đúng khuyến cáo của cơ quan y tế…

Tăng tốc, nỗ lực vượt khó

Tại TP.HCM, chỉ có một số công trình được phép thi công khi Thành phố đang thực hiện giãn cách toàn xã hội như tuyến đường sắt đô thị số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); xây dựng cầu Thủ Thiêm 2; công trình xây dựng cầu vượt bến xe Miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật 9 lô đất thuộc khu chức năng số 1 trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm; xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ và xây dựng tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Đây là những công trình trọng điểm của TP.HCM, phải bảo đảm thi công thông suốt, không thể gián đoạn dù ảnh hưởng của dịch bệnh là rất lớn.

Dù nhiều công trình trọng điểm đã xuất hiện ca nhiễm Covid-19 phải cách ly tập trung, thậm chí có công trình phải tạm dừng thi công, nỗ lực của các nhà thầu, chủ đầu tư sau khi kiểm soát dịch là rất đáng ghi nhận.

Công trình cầu Thủ Thiêm 2, sau rất nhiều trở ngại về thủ tục, mặt bằng, dịch bệnh đã đẩy nhanh tiến độ và cam kết sẽ hợp long vào ngày 2/9/2021. Đặc biệt, đây là cây cầu dây văng, phần cầu chính nhịp dây văng cùng các phân đoạn phụ của dầm thép được gia công, tổ hợp tại nhà máy ở Hải Phòng và được vận chuyển khoảng 1.500 km đến nhà máy tại Vũng Tàu bằng đường biển.

Tại Dự án Cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, sau khi TP.HCM chấp thuận cho phép thi công trở lại, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, dù gặp nhiều trở ngại, công trình đã được nhà thầu quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn bộ dự án vào ngày 31/12/2021. Cụ thể, trong những ngày này, trên công trường huy động hơn 400 người lao động và hàng chục thiết bị thi công. Phương châm thi công “3 tại chỗ” được áp dụng nghiêm ngặt hơn, kiểm soát gắt gao hơn, đồng thời, nhân sự huy động đạt 80% so với trước khi có ca nhiễm. Hiện tổng khối lượng của công trình đã đạt 40% toàn bộ dự án.

Để hỗ trợ việc thi công, Bộ Giao thông vận tải trước đó đã có văn bản gửi UBND TP.HCM, tỉnh Đồng Nai và Bình Dương cho phép và ưu tiên vận chuyển nhân sự, thiết bị, vật liệu của dự án được phép di chuyển vào TP.HCM đến công trường; đồng thời, xem xét ưu tiên tiêm vắc xin phòng ngừa Covid-19 cho cán bộ, công nhân viên làm việc tại dự án nhằm hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm.

Theo Bộ Giao thông vận tải, các dự án cao tốc phía Nam hiện đang được nhà thầu đẩy nhanh tiến độ với hàng trăm mũi giáp công với quyết tâm thi công an toàn, vượt mọi trở ngại để nỗ lực hoàn thành đúng tiến độ đề ra.

Chuyên đề