Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 7 năm phát hành được khối lượng lớn nhất, lần lượt là 13.555 tỷ đồng và 12.585 tỷ đồng. Tuy nhiên, những mức phát hành của 2 kỳ hạn này đều thấp hơn so với kế hoạch quý I. Trong khi đó, các kỳ hạn dài từ 15 năm trở lên dù khối lượng nhỏ nhưng đều phát hành vượt kế hoạch. Diễn biến này cho thấy nhà đầu tư đang dành nhiều sự quan tâm cho các kỳ hạn dài khi lãi suất ở các kỳ hạn này ở mức khá hấp dẫn so với với kỳ hạn 5 năm.
Việc TPCP kỳ hạn dài hút nhà đầu tư hơn cũng phù hợp với định hướng phát triển thị trường TPCP. Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới, Bộ sẽ đa dạng hóa các sản phẩm TPCP để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, tiếp tục phát hành kỳ hạn 10 năm, 15 năm, 20 năm và 30 năm nhằm kéo dài kỳ hạn của danh mục nợ Chính phủ theo hướng bền vững. Đồng thời, phát triển hệ thống nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện; khuyến khích các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ, tăng tỷ lệ đầu tư vào trái phiếu.