Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong thời gian qua. Ảnh minh hoạ: Internet |
Các tỉnh, thành phố thuộc diện khảo sát gồm: Bắc Giang, Thanh Hóa, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum, TP. HCM, Bình Dương.
Theo kết quả khảo sát này, đến ngày 31/12/2018 có 78 tổ chức tín dụng phát sinh số liệu dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực cho vay phục vụ đời sống (đã bao gồm cho vay tiêu dùng của 13 công ty tài chính - CTTC) với dư nợ đạt 1.416.933 tỷ đồng, chiếm 19,65% trong tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, tăng 29,38% so với thời điểm cuối năm 2017, trong đó dư nợ dài hạn chiếm tỷ trọng lớn (78%).
Trong số các sản phẩm cho vay phục vụ đời sống thì cho vay mua nhà ở, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng sửa chữa nhà ở chiếm tỷ trọng lớn nhất 56,76%, đạt 804.205 tỷ đồng, tăng 36,13% so năm 2017; tiếp theo là cho vay tiêu dùng, sinh hoạt, mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình chiếm 30%, đạt 425.551 tỷ đồng, tăng 20,2% so với 2017.
Trong tổng dư nợ 99.884 tỷ đồng cho vay phục vụ đời sống, cho vay tiêu dùng của 13 CTTC, có 12 CTTC phát sinh dư nợ tiêu dùng của các khoản cho vay dưới 100 triệu đồng theo Thông tư 43/2016/TT-NHNN đạt 89.386 tỷ đồng (nợ ngắn hạn đạt 20.775 tỷ đồng, chiếm 23,24%; trung, dài hạn đạt 64.663 tỷ đồng, chiếm 72,3%).
Trong số các sản phẩm cho vay tiêu dùng của CTTC, cho vay mua đồ dùng/trang thiết bị gia đình chiếm tỷ trọng cao nhất 46,5% (41.593 tỷ đồng), tiếp theo là cho vay mua/thuê/thuê mua phương tiện đi lại chiếm 28,9% (25.861 tỷ đồng), cho vay sửa chữa nhà ở chiếm 19,6% (17.546 tỷ đồng), cho vay chi phí học tập/chữa bệnh/du lịch/văn hóa/thể dục/thể thao chiếm 0,49% (gần 440 tỷ đồng).
Khung lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC trong khoảng thấp nhất từ 6,6%/năm đến mức cao nhất là 85%/năm đối với tùy loại sản phẩm và thường áp dụng với số tiền cho vay ban đầu, không tính theo dư nợ giảm dần. Mức lãi suất dưới 10%/năm thường chỉ áp dụng với cho vay trả góp mua xe ô tô.
Nợ xấu tín dụng phục vụ nhu cầu đời sống tính đến cuối năm 2018 là 20.319 tỷ đồng, chiếm 1,43% tổng dư nợ. Trong đó nợ xấu của khối các ngân hàng thương mại là 14.891 tỷ đồng, chiếm 1,13% tổng dư nợ, nợ xấu khối các CTTC là 5.422 tỷ đồng, chiếm 5,43% tổng dư nợ.
Đáng chú ý, TP.HCM là địa phương có tỷ lệ tăng trưởng tín dụng đời sống, tiêu dùng so với năm 2017 và tỷ trọng tín dụng này trong tổng dư nợ tín dụng ở mức cao nhất, lần lượt là 50% và 23,72%. Con số này ở Thanh Hoá là 31,21% và 11,75%.