Tính thuế tài nguyên sao cho hợp lý?

(BĐT) - Cần có tiêu chí rõ ràng để xác định giá tính thuế, xem xét việc quy định giá tính thuế tối thiểu và nghiên cứu phương án đưa ra cơ chế chống chuyển giá thuế tài nguyên là những góp ý của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về thuế tài nguyên.
Luật Thuế tài nguyên cho phép doanh nghiệp kê khai giá tính thuế nhưng không được thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định
Luật Thuế tài nguyên cho phép doanh nghiệp kê khai giá tính thuế nhưng không được thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định

Về chi phí được trừ khi xác định giá tính thuế, Dự thảo Thông tư sửa đổi bổ sung Thông tư số 152/2015/TT-BTC hướng dẫn theo hướng cho phép trừ các chi phí của công đoạn sản xuất, chế biến khoáng sản liên quan trực tiếp đến công đoạn sản xuất, chế biến tài nguyên thành sản phẩm khác, nhưng không bao gồm chi phí ở khâu khai thác, sàng, tuyển, làm giàu hàm lượng.

Theo VCCI, việc quản lý thuế theo các tiêu chí “thành sản phẩm khác” hay “chưa thành sản phẩm khác” hay dựa trên các hoạt động như “sàng”, “tuyển”, “phân loại”, “làm giàu hàm lượng”, “chế biến”, “sản xuất”… rất thiếu minh bạch vì không có tiêu chí khách quan để xác định.

Mặt khác, cách xác định giá tính thuế bao gồm các chi phí sau khai thác cũng không hợp lý vì nó khiến các doanh nghiệp chuyển hoạt động sàng, tuyển, phân loại, làm giàu hàm lượng… ra nước ngoài để né thuế. Nếu doanh nghiệp thực hiện các hoạt động này ở Việt Nam thì sẽ làm cho giá tính thuế của sản phẩm cao hơn và doanh nghiệp sẽ phải nộp nhiều thuế tài nguyên hơn.

Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo quy định theo hướng: giá tính thuế là giá bán tài nguyên trừ đi tất cả các chi phí sản xuất, chế biến, làm giàu, phân loại, sàng tuyển (nhưng không bao gồm chi phí khai thác).

Về giá tính thuế tài nguyên tối thiểu, Luật Thuế tài nguyên cho phép doanh nghiệp kê khai giá tính thuế nhưng không được thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định. Chính sách này được suy đoán là nhằm chống lại tình trạng doanh nghiệp khai thác tài nguyên liên kết với bên mua để ghi giá bán tài nguyên trên hoá đơn, chứng từ thấp hơn giá thực tế giao dịch. Về bản chất, đây là hoạt động chuyển giá.

Theo VCCI, trong giai đoạn trước đây, khi pháp luật về chống chuyển giá của Việt Nam chưa hoàn thiện thì việc Nhà nước quy định giá tính thuế tối thiểu có thể tạm chấp nhận được. Tuy nhiên, từ khi Nghị định 20/2017/NĐ-CP được ban hành thì công tác chống chuyển giá của Việt Nam đã được nâng cấp tiếp cận với tiêu chuẩn của các nước trên thế giới.

Do đó, về lâu dài, cần tính đến phương án bỏ cơ chế Nhà nước ban hành giá tính thuế tối thiểu mà nên để doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm. Nhà nước chỉ tiến hành kiểm tra, nếu phát hiện chuyển giá thì xử phạt theo quy định của pháp luật.

Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu phương án đưa ra cơ chế chống chuyển giá thuế tài nguyên tương tự như các nguyên tắc tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP như lập hồ sơ báo cáo giao dịch độc lập. Trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn báo cáo chống chuyển giá này thì không nhất thiết phải áp dụng mức giá tối thiểu do UBND cấp tỉnh quy định.

Chuyên đề