Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Tránh gian lận thuế ở khâu nhập khẩu
Bộ Tài chính dự kiến, giá tính thuế TTĐB là giá do doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu bán ra. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung, quy định này nhằm bảo đảm công bằng giữa hàng hóa sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu.
“Với cách xác định giá tính thuế TTĐB hiện hành thì hàng hóa sản xuất trong nước phải nộp thuế cao hơn vì giá tính thuế bao gồm cả phần lãi của doanh nghiệp sản xuất, trong khi giá tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu lại không tính phần lãi của doanh nghiệp nhập khẩu. Sự bất hợp lý này đã tồn tại từ nhiều năm nay, bây giờ cần phải sửa đổi cho hợp lý và bảo đảm sự công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu”, ông Trung cho biết và thông tin thêm, trên thế giới, có nước tính thuế TTĐB đối với hàng nhập khẩu dựa vào giá CIF như cách tính của Việt Nam hiện nay, cũng có nước xác định giá tính thuế TTĐB chia làm 2 phần, một phần nộp ở khâu nhập khẩu và phần hai nộp khi tiêu thụ trong nội địa.
“Cách xác định giá tính thuế TTĐB căn cứ vào giá bán ra, không phân biệt là hàng nhập khẩu hay hàng sản xuất trong nước sẽ bảo đảm sự bình đẳng, nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa sản xuất trong nước. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhập khẩu, vẫn chưa hiểu kỹ nên có những phản ứng nhất định vì cho rằng, nếu tính thuế TTĐB như vậy thì thuế chồng lên thuế” - Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam, bà Nguyễn Thị Cúc (nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế) cho biết.
Bà Cúc lấy ví dụ, một thùng bia sản xuất trong nước, giá tính thuế TTĐB là do doanh nghiệp sản xuất bán ra chưa có thuế giá trị gia tăng (VAT), chưa có thuế TTĐB nhưng bao gồm cả phần lợi nhuận của doanh nghiệp sản xuất. Trong khi đó, cũng với thùng bia ấy nếu nhập khẩu thì giá tính thuế TTĐB chỉ là giá CIF cộng thêm với thuế nhập khẩu. Trong bối cảnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do, thuế nhập khẩu đối với hầu hết các loại hàng hóa sẽ về mức 0% thì giá tính thuế TTĐB chỉ là giá CIF. “Nếu không thay đổi cách xác định giá tính thuế TTĐB thì doanh nghiệp sản xuất sẽ chuyển sang nhập khẩu vì nhập khẩu có lợi nhuận nhiều hơn”, bà Cúc phát biểu.
Liên quan đến lo ngại về việc thuế chồng lên thuế của nhiều doanh nghiệp, bà Cúc phân tích: “Tại khâu nhập khẩu, giá tính thuế TTĐB vẫn được xác định trên cơ sở giá CIF, doanh nghiệp nộp thuế TTĐB cho hải quan khi nhập khẩu hàng hóa tức là không khác gì hiện nay. Sau khi nhập khẩu, doanh nghiệp bán hàng hóa vào nội địa thì phải nộp thuế TTĐB cho cơ quan thuế như đối với hàng hóa sản xuất trong nước, tức là giá tính thuế TTĐB ở khâu này tính cả phần lợi nhuận của doanh nghiệp bán hàng nhập khẩu, nhưng được trừ đi phần thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu cho cơ quan hải quan nên không có chuyện thuế chồng lên thuế”.
Hiện tại, nhiều doanh nghiệp khai trị giá hàng nhập khẩu rất thấp, thậm chí chỉ bằng 20 - 30% giá thị trường để trốn thuế. “Với cách xác định thuế TTĐB như dự kiến của Bộ Tài chính sẽ hạn chế được tình trạng gian lận thuế, vì dù khai trị giá hàng nhập khẩu thấp nộp thuế TTĐB ở khâu nhập khẩu thấp, nhưng bán hàng nhập khẩu vào nội địa với giá cao thì vẫn phải nộp thuế TTĐB khâu sau ở mức giá bán ra”, bà Cúc bình luận.
Hết đường chuyển giá
“Quy định này nhằm tránh trường hợp các doanh nghiệp có quan hệ liên kết, quan hệ mẹ - con chuyển giá bằng hình thức bán hàng với giá thấp hơn thị trường nhằm giảm giá tính thuế TTĐB để giảm số thuế phải đóng góp vào ngân sách nhà nước. Quy định này cũng để tránh trường hợp doanh nghiệp sản xuất trong nước, doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thành lập các công ty con, chi nhánh, cửa hàng, đại lý với nhiều tầng nấc để chuyển giá bằng cách thực hiện mua bán, giao dịch với nhau không theo giá thị trường nhằm giảm số thuế TTĐB phải nộp, tạo ra môi trường cạnh tranh thiếu bình đẳng” - ông Trương Chí Trung nhận định.
Bà Nguyễn Thị Cúc cũng thừa nhận, cách xác định giá tính thuế TTĐB như vậy là công bằng, hợp lý. Bà Cúc lấy dẫn chứng, doanh nghiệp sản xuất bia, bán 1 thùng bia cho công ty thương mại với giá 300.000 đồng thì họ phải chịu thuế suất thuế TTĐB 55% (năm 2017 là 60% và từ năm 2018 trở đi là 65%), nghĩa là phải chịu tổng cộng là 211.500 đồng tiền thuế, bao gồm 165.000 đồng thuế TTĐB và 46.500 đồng VAT. Để giảm mức thuế phải nộp, doanh nghiệp này sẽ bán hàng cho công ty con, công ty liên kết với giá 200.000 đồng/thùng bia thì chỉ phải nộp tổng cộng 141.000 đồng tiền thuế, bao gồm 110.000 đồng thuế TTĐB và 31.000 đồng VAT, tức là đã giảm được hơn 33,4% tổng số tiền thuế. Với cách chuyển giá này, đối với mặt hàng vừa chịu thuế TTĐB, vừa chịu thuế bảo vệ môi trường thì số thuế phải giảm còn lớn hơn.
“Quy định giá tính thuế TTĐB bán cho cho công ty con, công ty liên kết không thấp hơn 7% so với giá bán cho các công ty thương mại không có quan hệ khác là phù hợp. Tuy nhiên, tôi cũng còn phân vân giá tính thuế TTĐB của công ty thương mại là giá xác định ở khâu nào: Giá công ty thương mại bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng? Giá công ty thương mại bán cho đại lý cấp, chi nhánh cấp 1 hay cấp 2?” - bà Cúc băn khoăn và hy vọng Bộ Tài chính sẽ có hướng dẫn cụ thể về nội dung này.