Dốc sức giải các bài toán lớn của nền kinh tế

(BĐT) - Năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ, có ý nghĩa quan trọng, đòi hỏi chúng ta cần phải tiếp tục có sự bứt phá hơn nữa, không chỉ là phấn đấu tiếp tục đạt kết quả toàn diện của năm 2020 mà còn phải về đích thành công, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2011 - 2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. 
Sự phát triển bứt phá của năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, là nền tảng cho tăng trưởng giai đoạn tới. Ảnh: Lê Tiên
Sự phát triển bứt phá của năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, là nền tảng cho tăng trưởng giai đoạn tới. Ảnh: Lê Tiên

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh như vậy tại buổi làm việc đầu tiên của Bộ sau Tết Nguyên đán.

Không ít thách thức

Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra ngày 21/1 vừa qua, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo trong năm nay, kinh tế thế giới tăng trưởng 3,3%, thấp hơn 0,1% so với dự báo đưa ra ba tháng trước đó.

Một dự báo khác của một tổ chức trong nước cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung dù mới đây có xu hướng hạ nhiệt do Mỹ và Trung Quốc cho biết đã đạt được thỏa thuận bước 1, tuy nhiên đây vẫn là một ẩn số lớn và chứa đựng nhiều bất định đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2020. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11/2020, xu hướng bảo hộ thương mại của Tổng thống Donald Trump có thể sẽ sớm quay trở lại nhằm ghi điểm với những cử tri ủng hộ mình.

Và ngay trong tháng đầu năm 2020 này, cả thế giới đang gồng mình ứng phó với đại dịch corona. Ở góc độ kinh tế, theo tính toán của một số chuyên gia kinh tế thế giới, đại dịch corona khiến 80% nền kinh tế Trung Quốc tạm thời tê liệt, có thể khiến kinh tế thế giới bốc hơi 160 tỷ USD.

Với một nền kinh tế có độ mở lớn, bối cảnh thế giới sẽ có tác động không nhỏ tới Việt Nam.

Ngoài ra, những khó khăn, hạn chế nội tại của nền kinh tế trong nước sẽ vẫn là thách thức ảnh hưởng đến tăng trưởng trung và dài hạn nếu không có giải pháp tháo gỡ hiệu quả.

Đơn cử, 2019 là năm thứ hai liên tiếp môi trường kinh doanh của Việt Nam bị tụt hạng theo báo cáo Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới. Nhóm nghiên cứu của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, việc môi trường kinh doanh tăng điểm nhưng tụt hạng cho thấy cải cách thủ tục hành chính của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại và chậm hơn so với các nước khác trong khu vực.

Năm 2019, tăng trưởng ấn tượng đạt được có đóng góp lớn từ xuất khẩu và cầu tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, trong năm 2020, BVSC chỉ ra rằng kinh tế toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại, khiến xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn. Hai là cầu tiêu dùng trong nước, thể hiện qua doanh số bán lẻ có thể sẽ tăng thấp hơn năm 2019 do lạm phát bật tăng. 

Dốc sức giải các câu hỏi lớn

Dù năm 2020 còn nhiều khó khăn, thách thức từ cả trong và ngoài nước, nhưng tại Nghị quyết 01, Chính phủ đặt quyết tâm ít nhất đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% và nỗ lực phấn đấu đạt 7%, cao hơn mục tiêu đã được Quốc hội thông qua là 6,8%.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sự phát triển bứt phá của năm 2020 có ý nghĩa quan trọng, không chỉ cho năm cuối của nhiệm kỳ, mà còn là nền tảng cho tăng trưởng giai đoạn tới, cụ thể là Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Bộ trưởng nhắc lại, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT đề xuất tham mưu chính sách sâu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, giúp đất nước phát triển nhanh, thịnh vượng vào năm 2045. Bộ KH&ĐT phải là những nhà toán học giải những bài toán khó của nền kinh tế.

Bộ trưởng đặt ra hàng loạt câu hỏi lớn về những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH&ĐT. Doanh nghiệp tại sao vẫn chưa có chính sách đột phá trong phát triển? Hoạt động đầu tư kinh doanh vướng ở đâu? Thực trạng doanh nghiệp Việt Nam hiện nay ra sao, thành lập rất nhiều nhưng ở đâu, lĩnh vực nào? Tại sao công trình trọng điểm chưa triển khai được? Đối với đầu tư công, làm sao phải quản lý chặt chẽ nhưng giải ngân nhanh, đấu thầu nhanh? Hay là tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 như thế nào?...

Bộ trưởng cho biết, mục tiêu trong năm nay phải khánh thành giai đoạn 1 Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia. Và với những vấn đề, hạn chế của nền kinh tế, phải xác định được gốc rễ nằm ở đâu để tháo gỡ.

Năm 2020, ngoài nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, cũng đánh dấu 75 năm thành lập Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, tiền thân của Bộ KH&ĐT. Vui mừng chia sẻ rằng chưa bao giờ Bộ KH&ĐT có được vị thế, tầm vóc, uy tín tốt như thời điểm hiện nay, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu mỗi cán bộ, công chức, viên chức của Bộ không được phép hài lòng với những kết quả đã đạt được mà phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn, nhanh hơn để mang lại giá trị to lớn hơn cho đất nước.

Chuyên đề