Thị trường chứng khoán chờ thay đổi về chất

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Minh bạch, củng cố niềm tin, nâng cao chất lượng thị trường đang là định hướng để giúp thị trường chứng khoán (TTCK) phát triển bền vững, trở thành một trụ cột của thị trường tài chính, là nơi giúp doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm tải áp lực lên hệ thống tín dụng ngân hàng.
Năm 2021, các doanh nghiệp, ngân hàng niêm yết đã phát hành cổ phiếu và huy động qua thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 100,6 nghìn tỷ đồng.
Năm 2021, các doanh nghiệp, ngân hàng niêm yết đã phát hành cổ phiếu và huy động qua thị trường chứng khoán Việt Nam khoảng 100,6 nghìn tỷ đồng.

Xuyên suốt 22 năm hình thành và phát triển, đến nay TTCK Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc. Khởi đầu với vài mã cổ phiếu trên sàn giao dịch, đến nay có đến 1.641 mã cổ phiếu (tính đến tháng 12/2021) được niêm yết.

Sự thay đổi về “lượng” của thị trường có đóng góp rất lớn từ việc tham gia của đông đảo nhà đầu tư. Riêng trong tháng 3 năm nay, lượng tài khoản chứng khoán trong nước mở mới đạt 270.217 tài khoản, con số kỷ lục từ trước đến nay và vượt xa đỉnh cũ đạt được vào tháng 12/2021 (226.390 tài khoản). Tổng số tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4,9 triệu, chiếm xấp xỉ 5% dân số. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp chỉ số VN-Index liên tục lập các mốc lịch sử mới trong năm 2021 cùng với thanh khoản cao đột biến.

Tận dụng sự thuận lợi của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã huy động vốn để cải thiện nguồn vốn cho hoạt động đầu tư phát triển và phục hồi hậu Covid-19. Số liệu từ Fiin Group cho thấy, trong năm 2021 các doanh nghiệp và ngân hàng niêm yết đã thực hiện phát hành cổ phiếu và huy động khoảng 100,6 nghìn tỷ đồng - con số kỷ lục về huy động vốn qua phát hành trên TTCK Việt Nam kể từ khi hình thành. Qua đó cho thấy vai trò huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Cần nhấn mạnh rằng con số này là giá trị nguồn cung cổ phiếu thứ cấp, huy động vốn trực tiếp từ thị trường và không bao gồm các loại phát hành mà không có tiền vào doanh nghiệp như cổ tức bằng cổ phiếu, cổ phiếu thưởng.

Nói về sự “trưởng thành” của TTCK trong hơn 2 năm qua, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty CP Chứng khoán Yuanta Việt Nam đánh giá: “Thị trường dù đã có những bước phát triển quan trọng, nhưng cơ cấu nhà đầu tư cá nhân vẫn chiếm tỷ trọng lớn, nên vẫn rất dễ bị tổn thương và ảnh hưởng trong ngắn hạn trước những sự kiện tiêu cực. TTCK sẽ thực sự bền vững khi nhà đầu tư thay đổi tư duy từ giao dịch lướt sóng sang đầu tư”.

Chiến lược tài chính đến năm 2030 được Chính phủ ban hành vào tháng 3 vừa qua đã chỉ rõ thị trường chứng khoán là một trong các trọng tâm cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nhằm phát triển đồng bộ, hiện đại, minh bạch và bền vững thị trường tài chính.

Để giải quyết sự biến động của thị trường do nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn, ông Minh đề xuất đẩy mạnh việc phát triển các quỹ ETF. Ông đánh giá chứng chỉ quỹ ETF là sự lựa chọn thích hợp cho các nhà đầu tư không có kinh nghiệm và khả năng phân tích cổ phiếu. Mặt khác, ETF sẽ giúp tỷ lệ các nhà đầu tư tổ chức gia tăng trên thị trường và hạn chế các giao dịch biến động mạnh từ các nhà đầu tư cá nhân.

Ngoài ra, ông cũng đề xuất chỉ số xếp hạng Quan hệ nhà đầu tư (IR Rating) với mục đích giúp nhà đầu tư dễ dàng đánh giá chất lượng quan hệ nhà đầu tư; củng cố tiêu chí định lượng để đưa ra quyết định đầu tư của các nhà đầu tư tổ chức, cá nhân và quyết định cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.

Chiến lược tài chính đến năm 2030 được Chính phủ ban hành vào tháng 3 vừa qua đã chỉ rõ TTCK là một trong các trọng tâm cần hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách nhằm phát triển đồng bộ, hiện đại, minh bạch và bền vững thị trường tài chính.

Trong đó nhấn mạnh việc cần hoàn thiện khung pháp lý cho phát triển thị trường phù hợp với trình độ phát triển của nền kinh tế, tiếp cận với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; mở rộng và kết nối với thị trường khu vực và thế giới. Hoàn thiện các quy định hướng dẫn về sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp niêm yết và các công ty đại chúng trên TTCK. Đặc biệt, tăng cường năng lực quản lý, giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, năng lực cạnh tranh của các tổ chức trung gian tham gia TTCK để đảm bảo thị trường vận hành an toàn, minh bạch, nâng cao khả năng cạnh tranh và bảo vệ lợi ích nhà đầu tư.

Những động thái của nhà chức trách trong thời gian gian gần đây cho thấy quyết tâm làm lành mạnh TTCK.

Chỉ trong hơn 4 tháng đầu năm 2022, liên tiếp xảy ra các sự kiện như ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC và ông Đỗ Anh Dũng - cựu Chủ tịch HĐQT Tân Hoàng Minh Group liên quan đến việc thao túng TTCK và sai phạm trong phát hành trái phiếu. Mới đây nhất, ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch HĐQT CTCP Louis Holdings đã bị bắt với cáo buộc “thao túng TTCK”. Cùng tội danh trên, cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã ra các quyết định khởi tố, lệnh bắt tạm giam đối với 3 cá nhân Trịnh Thị Thúy Linh - Giám đốc hành chính Louis Holding; Đỗ Đức Nam - Tổng giám đốc Công ty CP Chứng khoán Trí Việt; và Lê Thị Thùy Liên - nhân viên dịch vụ tài chính Chứng khoán Trí Việt.

Cùng với đó, thời gian qua UBCKNN cũng ra nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đối với nhiều cá nhân và doanh nghiệp niêm yết.

Những thông tin này đã phần nào ảnh hưởng tiêu cực đến các chỉ số trên TTCK. Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá việc chấn chỉnh sẽ có tác động tích cực đến xu hướng trung và dài hạn của thị trường. Bởi chỉ có minh bạch, tạo niềm tin và nâng cao chất lượng, TTCK mới có thể trở thành một trụ cột của thị trường tài chính, là nơi giúp doanh nghiệp huy động vốn trung và dài hạn, giảm tải áp lực lên hệ thống tín dụng ngân hàng.

Chuyên đề