Bối cảnh lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất, làm dấy lên lo ngại suy thoái trên thị trường tài chính |
Bóng đen lạm phát bao phủ toàn cầu
Đứt gãy chuỗi cung ứng hậu đại dịch, nhu cầu tiêu dùng bùng nổ và thị trường lương thực, năng lượng toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột Nga - Ukraine là những nguyên nhân khiến đà lạm phát tăng phi mã ở nhiều nước từ châu Âu đến châu Á.
Tờ New York Times trích dẫn số liệu thống kê của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (BIS) cho biết, khoảng 60% nền kinh tế phát triển có tỷ lệ lạm phát thường niên cao hơn 5%. Con số 60% là tỷ lệ cao nhất kể từ thập niên 1980 và đang là cơn đau đầu của các ngân hàng trung ương vốn thường đặt mục tiêu lạm phát ở mức 2%. Trong khi đó, hơn 50% nền kinh tế đang phát triển có tỷ lệ lạm phát thường niên trên 7%.
Lạm phát đặc biệt nghiêm trọng và chạm mức hai con số ở một số quốc gia thành viên EU, trong đó Litva dẫn đầu với 15,6%, tỷ lệ tăng chậm nhất được ghi nhận ở Malta, với mức tăng 4,6%. Đối với các quốc gia thành viên quan trọng của EU thì lạm phát ở Đức đã tăng 7,6%, Pháp là 5,1%, Italia là 7,0% và Tây Ban Nha là 9,8%.
Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, lạm phát tại nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận mức tăng cao nhất trong 4 thập kỷ vào tháng 3/2022. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 8,5% trong vòng một năm, tính tới cuối tháng 3.
Tình trạng các mặt hàng tăng giá xảy ra phổ biến trên khắp nước Mỹ. Giá xăng tăng 48% trong 12 tháng qua. Giá hàng tạp hóa tăng 10%. Giá các mặt hàng lương thực tăng 8,8%, mức cao nhất kể từ tháng 5/1981.
Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay cùng với tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng tiếp diễn, lạm phát ở mức cao được dự báo vẫn sẽ duy trì đến hết năm nay và sang năm 2023.
Tại Anh, lạm phát đã tăng lên mức kỷ lục 30 năm qua. Giá tiêu dùng tại xứ sở sương mù đã tăng 6,2% trong tháng 2/2022 và phá kỷ lục 7% trong tháng 3/2022.
Tồi tệ hơn, Goldman Sachs và Deutsche Bank dự đoán nhiều khả năng lạm phát sẽ vượt 9% trong tháng 4 tại Anh do đà tăng giá quá mạnh của năng lượng và lương thực. Phía Ngân hàng trung ương Anh (BoE) thậm chí cảnh báo tỷ lệ này có thể đạt 10% vào cuối năm nay.
Tại châu Âu, lạm phát tăng vọt lên mức kỷ lục 7,5% trong tháng 3 và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới. Đây là tháng thứ năm liên tiếp lạm phát ở khu vực đồng euro lập kỷ lục và cũng là mức cao nhất kể từ năm 1997.
Giá tiêu dùng tăng đột biến khiến người dân nhiều nơi trên thế giới ngày càng gặp khó khăn hơn trong việc chi tiêu |
Giá tiêu dùng tăng đột biến khiến người dân khu vực này ngày càng trở nên khó khăn hơn trong việc chi trả phí sinh hoạt. Chi phí năng lượng tăng cao là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát ở châu Âu, với mức giá đã tăng 44,7% trong tháng trước.
Lạm phát đặc biệt nghiêm trọng và chạm mức hai con số ở một số quốc gia thành viên EU, trong đó Litva dẫn đầu với 15,6%, tỷ lệ tăng chậm nhất được ghi nhận ở Malta, với mức tăng 4,6%. Đối với các quốc gia thành viên quan trọng của EU thì lạm phát ở Đức đã tăng 7,6%, Pháp là 5,1%, Italia là 7,0% và Tây Ban Nha là 9,8%.
Cơn sốt giá cả leo thang ở Mỹ và một phần châu Âu vài tháng trước đã lan đến châu Á, nơi giá lương thực và năng lượng đang tăng. Lạm phát ở một số nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc... gần đây tăng mạnh hơn dự báo. Ngay cả tại Nhật Bản, quốc gia từng đối phó tỷ lệ lạm phát cực thấp hoặc vấn đề giảm phát trong nhiều thập kỷ qua, dấu hiệu giá cả tăng cao cũng xuất hiện. Một khảo sát của Chính phủ Nhật cho thấy lạm phát đạt 2,7% trong tháng 3/2022, mức cao nhất kể từ năm 2014.
Ông Changyong Rhee, cựu Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương và hiện là người được đề cử giữ chức Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) nói với Bloomberg, các nước châu Á có thể bắt đầu xuất khẩu lạm phát ra thế giới nếu giá tiêu dùng “bắt kịp” chi phí năng lượng tăng, làm gia tăng sức ép lạm phát toàn cầu.
Mặt khác, các biện pháp phòng chống Covid-19 chặt chẽ của Trung Quốc đã làm tăng lên lo ngại rằng sự gián đoạn nguồn cung sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian dài. Cùng lúc đó, áp lực từ phía cầu đối với lạm phát cũng sẽ gia tăng.
“Thế giới có thể đang ở trên đỉnh của một kỷ nguyên lạm phát mới. Các yếu tố gây nên lạm phát cao vẫn có thể tồn tại thêm một thời gian nữa", Agustin Carstens, Tổng giám đốc BIS, bình luận.
Goldman Sachs và Deutsche Bank dự đoán nhiều khả năng lạm phát vượt 9% trong tháng 4 tại Anh do đà tăng giá quá mạnh của năng lượng và lương thực |
Tăng lãi suất, thắt lưng buộc bụng
Hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang lên kế hoạch tăng lãi suất trong cuộc chiến chống lạm phát.
Sau hơn 3 năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phải tăng lãi suất lên 0,25 - 0,5% trong tháng 3/2022, đồng thời phát tín hiệu có thể thêm 6 lần tăng lãi suất nữa từ đây đến cuối năm 2022.
Chủ tịch FED Jerome Powell cũng nhắc lại lập trường, lãi suất sẽ tiếp tục được nâng lên cho tới khi lạm phát được đưa về tầm kiểm soát.
Lãi suất cao hơn có thể kéo theo phí vay tăng đối với những người tiêu dùng đang tìm cách mua nhà và ô tô. Phí vay tăng cũng có thể giảm nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng, làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ đó hạ nhiệt tình trạng lạm phát đang ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Sau hơn 3 năm, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã phải tăng lãi suất lên 0,25 - 0,5% trong tháng 3/2022, đồng thời phát tín hiệu có thể thêm 6 lần tăng lãi suất nữa từ đây đến cuối năm 2022
Deutsche Bank mới đây cảnh báo "cuộc chiến" chống lạm phát của FED sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái nhẹ tại Mỹ vào cuối năm tới. Không chỉ Deutsche Bank, nhà kinh tế Mark Zandi của hãng phân tích Moody's Analytics cũng từng nhận định với hãng CNN cuối tháng trước rằng có ít nhất 33% khả năng kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới. Goldman Sachs cũng đưa ra dự báo tương tự, với khả năng kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái lên tới 35%.
Jamie Dimon, CEO JPMorgan Chase, cho rằng, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý II và quý III năm nay, nhưng “sau đó mọi chuyện sẽ trở nên khó đoán”. Lạm phát và sự thắt chặt của FED sẽ là những nhân tố đe dọa nền kinh tế.
Trong khi đó, kể từ tháng 12/2021, BoE đã nâng lãi suất 3 lần, đạt mức như thời trước dịch Covid-19 nhằm kiềm chế lạm phát nhưng tình hình chẳng khả quan hơn.
Với sự thắt chặt của thị trường lao động và áp lực giá cả cũng như chi phí trong nước liên tục tăng cao, BoE cho rằng “một số biện pháp chính sách tiền tệ thắt chặt hơn nữa có thể phù hợp trong những tháng tới”, bắt đầu xem xét triển khai nhanh chóng việc bán tài sản sau khi đưa lãi suất lên 1%. Giới quan sát kỳ vọng, BoE sẽ tăng lãi suất thêm 0,25%, lên mức 1% vào ngày 5/5 tới.
Tình hình lạm phát đang trở nên nghiêm trọng đến mức, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã phải lên kế hoạch dừng chương trình mua lại trái phiếu, qua đó dọn đường cho động thái nâng lãi suất. Báo cáo cuộc họp mới đây nhất của ECB cũng ghi rõ lần lạm phát này sẽ lan rộng và kéo dài hơn nhiều so với những lần trước.
Tại châu Á, Chính phủ Singapore đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ từ tháng 10/2021 và nâng lãi suất một đợt nữa vào tháng 1/2022. Mới đây, Singapore tiếp tục tuyên bố sẽ điều chỉnh chính sách đồng thời tiếp tục tăng lãi suất cùng lúc, điều chưa từng xảy ra từ năm 2010.
Cũng nằm trong xu hướng thắt lưng buộc bụng, hôm 14/4 Hàn Quốc đã tăng lãi suất cơ bản lên 1,5%, mức cao nhất trong khoảng 3 năm qua, nhằm kiềm chế áp lực lạm phát gia tăng trong bối cảnh giá dầu và các mặt hàng chính tăng cao.
BoK nhấn mạnh, với áp lực lạm phát đang lan rộng theo mọi hướng và triển vọng lạm phát sẽ tiếp tục tăng, BoK cần điều chỉnh chính sách tiền tệ theo hướng giảm bớt những lo ngại về lạm phát nhằm ổn định kinh tế vĩ mô trong trung hạn.
Trong bối cảnh lạm phát cao nhất trong nhiều thập kỷ, buộc các ngân hàng trung ương tăng lãi suất làm dấy lên lo ngại suy thoái trên thị trường tài chính, IMF cho biết sẽ hạ dự báo tăng trưởng đối với 143 nền kinh tế, chiếm 86% tổng GDP toàn cầu trong năm nay.