Tháo gỡ vướng mắc về quản lý chi phí đầu tư xây dựng: Cấp thiết nghiên cứu sửa đổi các văn bản hướng dẫn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng (NĐ 68) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2019 thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP (NĐ 32).
Nhiều công trình, dự án gặp khó khăn, vướng mắc về dự toán, đơn giá chi phí xây dựng. Ảnh: Lê Tiên
Nhiều công trình, dự án gặp khó khăn, vướng mắc về dự toán, đơn giá chi phí xây dựng. Ảnh: Lê Tiên

Tuy nhiên, trong thực tế triển khai NĐ 68 vẫn có nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Mới đây nhất, Bộ Xây dựng đã có kế hoạch chi tiết để xử lý vấn đề này.

Nhiều đơn vị lúng túng trong triển khai

Sau khi NĐ 68 có hiệu lực thi hành, ngày 26/12/2019, Bộ Xây dựng đã ban hành 10 thông tư hướng dẫn NĐ có hiệu lực từ ngày 15/2/2020.

Từ thực tế triển khai, nhiều chủ đầu tư đã có văn bản gửi cơ quan chức năng để được hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc về vấn đề chuyển tiếp. Đơn cử trường hợp một dự án đã phê duyệt dự án và thiết kế bản vẽ thi công trước ngày 1/10/2019, các khoản mục chi phí và định mức xây dựng theo quy định tại NĐ 32; hiện đang lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu thi công xây lắp. Theo Điều 36 NĐ 68 quy định về chuyển tiếp, dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt trước ngày NĐ này có hiệu lực và đang triển khai thì tiếp tục thực hiện quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo quy định của NĐ 32. Tuy nhiên, Điều 3 về xử lý chuyển tiếp tại Thông tư số 10/2019/TT-BXD hướng dẫn NĐ 68 quy định: “Dự án đầu tư xây dựng đã phê duyệt trước ngày có hiệu lực của NĐ 68 và đang triển khai thực hiện thì tiếp tục sử dụng, vận dụng định mức xây dựng theo quy định tại NĐ 32. Trường hợp gói thầu xây dựng chưa ký kết hợp đồng sau ngày có hiệu lực của Thông tư này thì người quyết định đầu tư quyết định việc áp dụng định mức xây dựng ban hành tại Thông tư này để điều chỉnh giá gói thầu xây dựng nhưng phải đáp ứng yêu cầu tiến độ và hiệu quả của dự án”. Theo chủ đầu tư này, những quy định trên dẫn đến băn khoăn trong xử lý chuyển tiếp. Trong trường hợp dự án này được cho áp dụng định mức xây dựng ban hành tại Thông tư số 10/2019/TT-BXD để xác định giá gói thầu xây dựng thì các khoản mục chi phí thực hiện theo NĐ 32 hay NĐ 68? Trường hợp áp dụng NĐ 32 mà định mức áp dụng theo Thông tư số 10/2019/TT-BXD thì không đồng bộ; trường hợp áp dụng NĐ 68 thì lại trái với quy định chuyển tiếp tại NĐ 68.

Sở Xây dựng Ninh Thuận cũng đề nghị hướng dẫn do quy định tại Điều 6 và Điều 10 của NĐ 68 dẫn đến sự chưa rõ ràng. Trong trường hợp công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật thì có cần phải thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án hay không?...

Trong báo cáo gửi Bộ KH&ĐT, nhiều địa phương cũng phản ánh vướng mắc khi thực hiện NĐ 68 liên quan đến nội dung về đơn giá nhân công, đơn giá ca máy; định mức công tác xây dựng chuyên ngành, đặc thù.

Sớm sửa đổi đồng bộ

Nghị quyết số 84/NQ-CP của Chính phủ (NQ 84) ban hành ngày 29/5/2020 đã đưa ra một trong những nhiệm vụ cần thực hiện để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện NĐ 68.

Trong kế hoạch thực hiện NQ 84 vừa công bố, Bộ Xây dựng cho biết sẽ nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế NĐ 68, với mốc thời gian hoàn thành là quý I/2021. Trước khi có Nghị định thay thế, sẽ hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện NĐ 68, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Dự thảo Thông tư sửa các thông tư hướng dẫn NĐ 68. Đồng thời, Bộ sẽ tăng cường phổ biến, tập huấn cho các bộ, ngành, địa phương nội dung của Nghị định và các thông tư hướng dẫn qua các hội nghị trực tuyến.

Ở góc độ khác, trao đổi tại một cuộc tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Bắc Thủy, Trưởng Phòng Kinh tế đầu tư và hợp đồng xây dựng thuộc Cục Kinh tế xây dựng - Bộ Xây dựng cho rằng, bản thân NĐ 68 có nhiều điểm mới, quản lý hiệu quả, sát giá thị trường hơn đối với các chi phí đầu tư xây dựng. Vướng mắc trong triển khai không phải do bản thân quy định tại NĐ 68 mà còn có nguyên nhân từ tổ chức thực hiện.

Thông tin với báo chí, Bộ Xây dựng chỉ ra, một số bộ, ngành và địa phương chưa thực hiện tốt việc thực hiện rà soát, bổ sung các định mức xây dựng chuyên ngành, đặc thù như quy định tại Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 2038/QFF-TTg ngày 18/12/2017 (Đề án 2038) nên gặp vướng mắc trong quá trình lập dự toán và quản lý chi phí theo các quy định mới.

Đồng thời, theo quy định tại NĐ 68 thì UBND cấp tỉnh hướng dẫn lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; chịu trách nhiệm công bố đầy đủ, đúng định kỳ giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công xây dựng, giá ca máy, chỉ số giá xây dựng, ban hành đơn giá xây dựng công trình… phù hợp với mặt bằng giá thị trường tại địa phương. Một số địa phương chưa hoàn thành nhiệm vụ này do việc điều tra, khảo sát để xác định đơn giá nhân công, giá ca máy trên thị trường cần có sự phối hợp của các cơ quan liên quan và thời gian, kinh phí, nhân lực để thực hiện. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác điều tra, khảo sát cũng phải tạm dừng thực hiện.

Chuyên đề

Kết nối đầu tư