Thẩm định Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Trong những năm tới, để phát triển nhanh, bền vững, quy hoạch tỉnh Bến Tre cần đề ra các phương án phát triển phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, giải quyết các khó khăn, thách thức, đẩy mạnh thu hút đầu tư có chọn lọc. Bên cạnh đó, cần huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài địa phương để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Bến Tre lựa chọn kịch bản tăng trưởng nhanh và bền vững với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước
Bến Tre lựa chọn kịch bản tăng trưởng nhanh và bền vững với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Đây là nhấn mạnh của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại Phiên họp thẩm định Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kết quả đánh giá môi trường chiến lược của Quy hoạch vào sáng 13/1/2023.

Tại Phiên họp, UBND tỉnh Bến Tre cho biết, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Tỉnh giai đoạn 2011 - 2020 đạt 5,22%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, nhất là trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế nông nghiệp là bệ đỡ, khá phát triển; hạ tầng kinh tế, giao thông tiếp tục được tập trung đầu tư, hoàn thiện theo hướng kết nối; môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh thuộc nhóm khá, giúp Bến Tre thu hút một số nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn và phát triển đô thị có nhiều kết quả khả quan; công nghiệp mới được hình thành (chế biến, năng lượng...); văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh; đời sống người dân được cải thiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Bến Tre vẫn còn một số điểm yếu như: quỹ đất phát triển công nghiệp, đô thị ít; quy mô kinh tế còn nhỏ, tăng trưởng kinh tế chưa cao, năng suất lao động và GRDP bình quân đầu người thấp; nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Tỉnh còn thấp so với nhu cầu chi, chưa tự cân đối ngân sách chi đầu tư phát triển; tỷ trọng nông nghiệp còn cao, sản xuất nông nghiệp chưa tập trung, ngành công nghiệp còn nhỏ, kinh tế biển chưa phát triển, số lượng doanh nghiệp còn khiêm tốn, đô thị hoá còn chậm, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp; hạ tầng chính chưa hoàn thiện, đồng bộ. Một trong những thách thức, khó khăn lớn của Tỉnh là bị tác động mạnh bởi biến đổi khí hậu (hạn mặn, dịch bệnh…); nguồn lực đầu tư còn rất hạn chế; quy mô dân số đông so với diện tích của địa phương.

Nhận thức được những thế mạnh cũng như những điểm yếu của kinh tế địa phương, Bến Tre đã xác định nhiều giải pháp khắc phục. Một trong những giải pháp quan trọng nhất là sớm lập Quy hoạch Tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có chất lượng, làm định hướng phát triển trong 10 năm, tầm nhìn 20 năm tới.

Trong Dự thảo Quy hoạch, 5 quan điểm phát triển đã được đưa ra trong thời kỳ quy hoạch, trong đó nhấn mạnh quan điểm phát triển về hướng Đông (hướng biển với trọng tâm là kinh tế biển). Đây là tầm nhìn xuyên suốt của thời kỳ quy hoạch với mục tiêu lấn biển tạo quỹ đất, mở rộng không gian phát triển mới.

Bến Tre cũng lựa chọn kịch bản tăng trưởng nhanh và bền vững với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá của cả nước.

Quy hoạch xác định 5 khâu đột phá chiến lược, trong đó điểm nhấn là phát triển về hướng Đông, phát triển kinh tế biển, từng bước hình thành khu kinh tế biển quy mô, hiện đại.

Theo Dự thảo Quy hoạch, vùng ven biển là vùng động lực phát triển của tỉnh Bến Tre

Theo Dự thảo Quy hoạch, vùng ven biển là vùng động lực phát triển của tỉnh Bến Tre

Về không gian phát triển, Dự thảo Quy hoạch chia thành 3 vùng gồm: vùng Bắc sông Hàm Luông (TP. Bến Tre, huyện Châu Thành, Giồng Trôm) với chức năng là trung tâm hành chính, chính trị, văn hoá, dịch vụ của Tỉnh. Trung tâm của vùng là 3 đô thị: TP. Bến Tre, đô thị Châu Thành, đô thị Giồng Trôm.

Vùng Nam sông Hàm Luông (gồm huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Chợ Lách) phát triển theo hướng tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trung tâm của vùng là đô thị Mỏ Cày.

Vùng ven biển (gồm huyện Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú và không gian biển thuộc địa phận tỉnh Bến Tre) là vùng động lực phát triển của Tỉnh, trong đó tập trung phát triển các ngành kinh tế biển, phấn đấu hình thành khu kinh tế biển trong tương lai. Trung tâm vùng là 3 đô thị: Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú.

Để thực hiện được mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển trong thời kỳ quy hoạch, tổng nhu cầu vốn đầu tư được ước tính khoảng 630.000 tỷ đồng (giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 230.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 khoảng 400.000 tỷ đồng). Trong đó, dự kiến vốn khu vực nhà nước khoảng 171.360 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước khoảng 63.000 tỷ đồng); vốn ngoài nhà nước khoảng 416.430 tỷ đồng; vốn nước ngoài khoảng 42.210 tỷ đồng.

Quy hoạch tỉnh Bến Tre sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ mở ra không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng và thế mạnh của địa phương; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững… Do đó, Dự thảo Quy hoạch cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị để giúp địa phương triển khai thực hiện được mục tiêu trên.

Phát biểu tại Phiên họp thẩm định, ông Trần Ngọc Tam - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre khẳng định, trong quá trình lập Quy hoạch, Tỉnh đã nghiên cứu, chọn lựa các định hướng, chiến lược phát triển và kịch bản phát triển để khai thác và phát huy hiệu quả nhất nguồn lực nội tại của địa phương kết hợp với huy động các nguồn lực khác.

Đồng thời, tỉnh Bến Tre xác định, Quy hoạch Tỉnh phải nằm trong tổng thể chung của Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch ngành, Quy hoạch tổng thể quốc gia. Vì vậy, trong quá trình lập Quy hoạch, Tỉnh đã nghiên cứu, lồng ghép các nội dung quan trọng của Quy hoạch vùng, quy hoạch ngành đã được phê duyệt và bám sát theo định hướng của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Tham gia ý kiến đối với quy hoạch tỉnh Bến Tre, đa số ý kiến cho rằng, Báo cáo Quy hoạch được xây dựng công phu, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bám sát các quy định, đảm bảo phù hợp với nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Quy hoạch Tỉnh cơ bản đã xem xét, xử lý các vấn đề liên ngành, liên huyện nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ và hiệu quả.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính tới thời điểm này, Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và 5 quy hoạch ngành quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Chuyên đề