Thái Nguyên: Xé nhỏ dự án nhóm A để lạm quyền chỉ định thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên sông Cầu ở tỉnh Thái Nguyên thuộc dự án nhóm A nhưng đã bị tỉnh này xé nhỏ để triển khai, dẫn tới sai phạm xảy ra chồng chất.
Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Phê duyệt đề xuất dự án trái thẩm quyền

Căn cứ theo kết luận của Thanh tra Chính phủ công bố mới đây, tại thời điểm sau khi được Tỉnh ủy Thái Nguyên đồng ý về chủ trương đầu tư Dự án, UBND Tỉnh có báo cáo và được HĐND Tỉnh chấp thuận và thông qua chủ trương đầu tư xây dựng, thực hiện theo hình thức PPP, với tổng mức đầu tư dự kiến là 18.221,61 tỷ đồng.

Trong đó bao gồm: thực hiện dự án theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) có tổng mức đầu tư 9.811 tỷ đồng (gồm 6 hạng mục, quy mô sử dụng đất là 150 ha) và thực hiện dự án khác có quy mô 700 ha với tổng mức đầu tư khoảng 8.400 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu đô thị 2 bên bờ sông) để thu hồi vốn dự án BT.

Với quy mô và tổng mức đầu tư dự kiến nói trên, theo Luật Đầu tư công, dự án này thuộc nhóm A, thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. Cho nên, việc HDND tỉnh Thái Nguyên thông qua chủ trương đầu tư, UBND Tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư dự án này là không đúng thẩm quyền và không đúng quy định pháp luật về đầu tư công và PPP.

Mặt khác, khi phê duyệt đề xuất Dự án và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi (BCNCKT) thì các quy hoạch như quy hoạch chung của thành phố; quy hoạch phòng chống lũ; quy hoạch đê điều đang trong quá trình thực hiện điều chỉnh hoặc chưa thực hiện đầy đủ, cũng như chưa được chấp thuận của các cấp có thẩm quyền phê duyệt là không phù hợp với quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 20 và Điều 15 Nghị định 15/2015/NĐ-CP về điều kiện đề xuất dự án.

Việc để xảy ra những sai sót trên cũng như việc báo cáo thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn không rõ ràng, thiếu cơ sở (nghị quyết về vốn đầu tư trung hạn của HĐND chưa được thông qua), theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc về Sở KH&ĐT; UBND; HĐND tỉnh Thái Nguyên.

Ngoài ra, UBND tỉnh Thái Nguyên có Quyết định 2190/QĐ-UBND phê duyệt đề xuất Dự án (nhóm A) trái thẩm quyền, không phù hợp với Nghị quyết 17/NQHĐND; Quyết định 2635/QĐ-UBND phê duyệt Đề án (gồm 9 dự án) khi chưa được HĐND thông qua (chỉ bằng văn bản của Thường trực HĐND).

Thay đổi khái niệm trong đầu tư để "tự tung tự tác"

Kết luận thanh tra còn cho thấy, Nghị quyết 17/NQ-HĐND ngày 12/8/2016 thông qua chủ trương đề xuất Dự án, trong đó “nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 5.611,6 tỷ đồng để sử dụng cho công tác bồi thường GPMB các hạng mục công trình thuộc dự án BT và các dự án hoàn vốn…, kinh phí GPMB dự án hoàn vốn khoảng 2.800 tỷ đồng...".

Tiếp đó, Nghị quyết 25/NQ-HĐND ngày 27/10/2017, thông qua chủ trương đề xuất chuyển từ Dự án thành Đề án, thể hiện việc: "vốn đầu tư của nhà nước tham gia thực hiện 9 dự án là 5.611,6 tỷ đồng, trong đó, GPMB dự án BT là 3.143,2 tỷ đồng; GPMB dự án hoàn vốn (dự án khác) là 2.468,4 tỷ đồng".

"Như vậy, việc UBND tỉnh Thái Nguyên đề xuất, HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua chủ trương đề xuất Dự án là không phù hợp với Nghị định 15/2015/NĐ-CP Điểm c, Khoản 2, Điều 11 "về sử dụng vốn nhà nước tham gia dự án" không thực hiện GPMB cho các dự án khác (dự án hoàn vốn dự án BT), không sử dụng vốn đầu tư công để GPMB cho các dự án khác", Thanh tra Chính phủ kết luận.

Cần nhấn mạnh thêm, theo quy định của Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Xây dựng; Nghị định 15/2015/NĐ-CP không có quy định về việc chuyển Dự án PPP thành Đề án PPP cũng như không có quy định về việc phê duyệt Đề án PPP gồm có các dự án PPP thành phần. Việc thay đổi khái niệm trong đầu tư để phù hợp với thẩm quyền quyết định là mang tính chủ quan, thiếu căn cứ pháp luật, không phù hợp với quy định tại Nghị định 15/2015/ND-CP.

Mặt khác, theo quy định của Luật Đầu tư công, đối với dự án nhóm A, cơ quan lập đề xuất dự án là UBND tỉnh Thái Nguyên, cơ quan thẩm định đề xuất là Bộ KH&ĐT và thẩm quyền quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, UBND tỉnh Thái Nguyên chưa lập và trình thẩm định phê duyệt đề xuất dự án là không phù hợp với Luật Đầu tư công. Việc UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành quyết định 2190/QĐ-UBND phê duyệt chủ trương đề xuất đầu tư dự án nhóm A là không đúng thẩm quyền.

Việc thẩm định phương án tài chính cũng có nhiều sai sai phạm khi chỉ thẩm định vốn chủ sở hữu của của Nhà đầu tư thực hiện dự án BT, không tổ chức thẩm định vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư tổ chức thực hiện dự án khác là không phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 10, Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Khoản 2 Điều 16 Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị.

Đáng lưu ý, phương án tài chính được UBND tỉnh phê duyệt gồm 25 khu đất dự kiến đối ứng dự án BT có diện tích khoảng 700ha, trong đó có 7 khu đất thuộc đất công có diện 95.186m2, gồm trụ sở Công ty TNHH Thoát nước; Rạp chiếu bóng tỉnh Thái Nguyên, Khách sạn Trung Tín; Bệnh viện Chỉnh hình và phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên; Trường mầm non 19/5; Sở Xây dựng; Sân vận động tỉnh Thái Nguyên.

Một dấu hỏi lớn nữa được đặt ra ở dự án này là việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án quá gấp gáp khi các nội dung đánh giá cơ bản mang tính hình thức, thời gian đánh giá và thẩm định hồ sơ yêu cầu chỉ trong 1 ngày, trong khi nội dung cần xem xét đánh giá với quy mô 9 dự án nhưng chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu (chỉ định thầu).

Chính sự vội vàng này đã dẫn tới kết quả đánh giá về năng lực, vốn chủ sở hữu thực hiện dự án BT và dự án khác, vốn vay của Nhà đầu tư chưa phù hợp với quy định tại Điều 10 Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Bảng 1 Mục 2, Chương III Mẫu 1 Thông tư 15/2016.

Được biết, Liên danh Tập đoàn Phúc Lộc và Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 8 là đơn vị trúng thầu Dự án này. Còn nhiều câu hỏi đằng sau dự án này cần phải được làm sáng tỏ.

Chuyên đề